Xóa nghèo miền sơn thẳm

Tân Sơn là huyện mới được thành lập vào năm 2007, nơi cư trú của người Mường, người Dao, người Cao Lan… và được coi là huyện nghèo nhất của tỉnh Phú Thọ. Nhưng sau 7 năm, hiện Tân Sơn đang được đánh giá là huyện có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất.

Chè đang được coi là cây công nghiệp chủ lực của huyện 30A Tân Sơn.

Tân Sơn được thành lập trên cơ sở gồm 17 xã nghèo của huyện nghèo Thanh Sơn trước đây, với 7 anh em dân tộc, thành phần dân tộc chiếm tới 83% nên cái để Tân Sơn có động lực đi lên và cần nhất, đấy là sự đồng thuận.

Đồng thuận, hòa đồng để phát triển, tiêu chí này đã được triển khai đến tất cả các cán bộ, từ huyện đến tận các thôn bản. Khi sự đồng thuận đã có rồi, như câu nói của các cụ nghĩa là “tư tưởng đã thông” rồi thì cái khó tiếp theo đấy là tìm ra phương kế để thoát nghèo.

Căn cứ với những điều kiện tự nhiên hiện có của mình, Tân Sơn đã chủ động tận dụng các hình thức kinh tế để tạo đà cho huyện, cho dân. Ruộng, rẫy và vùng chuyên canh hoa mầu dù to hay nhỏ nào trong huyện cũng được tận dụng. Nước được đưa về cùng với đó là việc triển khai áp dụng các biện pháp khoa học, kĩ thuật.

Những vùng đất không chủ động được nước, cán bộ quyết tâm tác động, hướng dẫn người dân để chuyển sang trồng các hoa mầu khác có giá trị hơn. Bằng sự tận dụng và chuyển đổi này, cái ăn đã cơ bản được người dân của huyện nghèo Tân Sơn, một thời thiếu đói chủ động được.

Khi cái ăn đã tạm ổn, đã được giải quyết tại chỗ, để có thu, các cây công nghiệp có thế mạnh một thời như chè, sơn đã bắt đầu được cán bộ định hướng cho dân. Bằng việc “hồi sinh” lại cho các vùng chè, vùng sơn cũ, Tân Sơn đã mở rộng các diện tích chè, sơn mới; đưa các giống chè, giống sơn có chất lượng hơn vào gieo trồng.

Thời gian thấm thoắt trôi, từ những diện tích và sản lượng manh mún, hiện nay Tân Sơn đã có trong tay gần 3.000 ha chè hàng hóa, chè chất lượng cao. Cùng với cây chè, cây sơn ta ở đây cũng bắt đầu “leo đồi” và đem lại lợi nhuận cho dân, cho huyện. Hiện Tân Sơn đã có 127 ha sơn và sơn thương phẩm ở đây đã cho nguồn thu 26 tấn ổn định, đem lại cho huyện mỗi năm hàng chục tỷ đồng lợi nhuận.

Cùng với chè, sơn; gần đây thấy nguồn thu từ cây chuối phấn vàng có giá trị, căn cứ với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hợp lý của mình, Tân Sơn đã nhân trồng và đưa cây chuối phấn vàng vào đồi, vào bãi. Bằng diện tích đã trồng được này, trong thời gian tới, cây chuối phấn vàng sẽ hứa hẹn đem lại thêm những nguồn thu cho đất Tân Sơn.

Với phương châm “việc to không bỏ, việc nhỏ không sót” này mà chỉ sau 7 năm thành lập, hiện nay Tân Sơn đang được Phú Thọ đánh giá là giảm tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh, với mức 3,99%.

Từ một huyện nghèo, một thời đói kém, cái ăn cái mặc là nỗi lo thường trực nên Tân Sơn đã chìm trong một nền kinh tế tự cung, tự cấp. Nhưng bằng việc đi lên của mình, hiện nay đất và người Tân Sơn đang trở thành nơi tìm đến của những hình thức thương mại, những nhà doanh nghiệp. Từ một nơi gần như trắng về công nghiệp và thương mại thì hiện nay Tân Sơn đã có tới 1.650 cơ sở kinh doanh thương mại. Cùng với khởi sắc này, đã có 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp tìm về đây đặt trụ sở, công xưởng để khai thác thế mạnh của đất Tân Sơn.

Cái ăn, cái mặc, cái nghèo với những nỗi ám ảnh ngày thành lập huyện dường như đã được vượt qua, cùng với đó là sự khát khao kiếm tìm con chữ của con em các dân tộc trong huyện. Trường, thầy và cô đã vượt dốc, vượt đèo vào tận những miền hẻo lánh như Đèo Mương, Kim Thượng, Bến Thân.

Những lớp học ngày nào kẽo kẹt mở cửa đón trò nay đã tưng bừng sức học bởi sự tìm đến của cánh trò người Mường, người Dao, người Mông. Bằng sự phấn đấu đưa trẻ đến trường và khuyến khích học tập này, từ một vùng đất một thời được mệnh danh là “bói không ra” cử nhân, hiện nay Tân Sơn đã có tới 165 em học sinh tham gia thi và được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Song Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/xoa-ngheo-mien-son-tham-tintuc407681