Xóa nghèo ở nơi nghèo nhất

Pác Nặm là một trong 61 huyện nghèo của cả nước và cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn. Thế nhưng ở đất nghèo này hiện nay đã có những chàng trai trẻ người dân tộc đã không cam chịu sự nghèo khó của mình. Họ mạnh dạn tìm cách vươn lên, tuyên chiến với đói nghèo và đã trở thành những người giầu trên một miền quê nổi tiếng là nghèo khó.

Chăn nuôi đại gia súc đã đem lại hướng thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số.

Trong những tấm gương tiêu biểu ấy là Triệu Văn Quang, một chàng trai trẻ người Dao tại thôn Slam Vè, xã Nhạn Môn của huyện. Trước những gì mà Quang có được của ngày hôm nay, nếu được kể thì khó có ai tin ngày xưa gia đình anh lại có thời kỳ “chạy ăn từng bữa”. Trong ngôi nhà khang trang, có khá đầy đủ tiện nghi, tương đương với một hộ gia đình khá giả ở đồng bằng, không ngờ Quang lại chỉ là người mới học đến lớp 5.

Quang bảo, trước do nhác việc, lại không có vốn nữa nên gia đình Quang nghèo lắm. Nhiều lúc Quang cũng nghĩ đến chuyện buông xuôi, chịu đói nghèo như nhiều hộ dân khác trong xã. Vì Pác Nặm nói chung và xã Nhạn Môn của Quang nói riêng thì chuyện nghèo khó đã trở thành điển hình, còn chuyện dư giả lại là cá biệt.

Vì nghèo nên cũng như các gia đình khác trong xã Quang đã phải trông chờ sự hỗ trợ giúp đỡ của nhiều người, các cơ quan ban ngành. Thế nhưng với lòng tự trọng, thấy việc trông chờ như vậy là xấu hổ, không thể kéo dài mãi được nên Quang đã nghĩ đến chuyện phải thoát ra khỏi sự đói nghèo. Nhưng ở cái miền đất không thuận về đất đai và thổ nhưỡng này thì hướng thoát nghèo không phải dễ. Trước khi tìm đến với mô hình chăn nuôi đại gia súc để thành giầu có này Quang cũng đã tìm đến các mô hình kinh tế khác. Thế nhưng kết quả đều không đạt được, thậm chí còn thêm nợ nần.

Muốn giầu phải nghĩ, để có thời gian nghĩ Quang đã quyết định từ chối các cuộc nhậu nhẹt chơi bời như các bạn cùng tuổi khác để dành thời gian đi tìm sách báo về đọc, tham gia các lớp tập huấn về phát triển dự án. Và anh nhận thấy với khí hậu thổ nhưỡng hiện có như ở Pác Nặm thì chăn nuôi đại gia súc là cách hợp lý nhất.

Thế là anh quyết định thực hiện kế hoạch của mình. Với số tiền vay mượn được, anh đi mua đôi trâu về chăn thả. Thấy công sức bỏ ra để chăn đôi trâu ấy quá lãng phí nên anh đã tìm tới tất cả các nhà có trâu bò lười chăn đem về nuôi dẽ thêm. Quay đi quay lại, với sự chăm chỉ và quyết tâm xóa nghèo của mình cùng việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào để chăm sóc trâu bò, ngoảnh đi ngoảnh lại anh đã có một đàn gia súc lớn trong tay.

Thực hiện bán chuyển và nhân đàn anh đã có tiền để làm nhà và mua vật dụng trong gia đình, vươn lên trở thành một trong những hộ thoát nghèo nhanh nhất của xã Nhạn Môn. Hiện đàn trâu bò của nhà anh lúc nào cũng duy trì khoảng 30 con. Ngoài nguồn phân để phục vụ cho trồng trọt, mỗi năm với số lượng trâu bò sinh sản được và bán thịt gia đình anh luôn có một khoản thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Cũng là người dân tộc Dao trẻ tuổi nhưng hướng phát triển kinh tế, làm giầu của cậu thanh niên trẻ có tên Lý Văn Dinh ở thôn Phja Đeng xã Nghiêm Loan lại khác. Cũng từ một người rất nghèo của xã, cũng với một lòng tự trọng và gét nghèo khó nên anh cũng trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho mình. Sau những đêm mất ngủ cùng gió đại ngàn anh đã xác định trồng rừng để thoát nghèo. Nhờ trồng rừng mà hiện nay hàng năm, tổng thu của các nguồn, mỗi năm gia đình Dinh cũng còn dư đến 70 triệu.

Theo lãnh đạo huyện, để Pác Nặm thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ của các cấp ngành trong cả nước thì còn là những con người dám nghĩ, dám làm và có lòng tự trọng của người dân. Những chàng trai trẻ như Triệu Văn Quang, Lý Văn Dinh… đang được coi là hạt nhân, tạo ra “cộng hưởng” những lan tỏa để cho những người xung quanh học tập và vươn lên thoát nghèo.

Triệu Anh Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/xoa-ngheo-o-noi-ngheo-nhat-tintuc406352