Xóa nợ tín dụng cho sinh viên sư phạm: Tốt, nhưng chưa đủ

Thay vì được miễn học phí trực tiếp như hiện nay, sinh viên (SV) sư phạm sẽ được vay tín dụng để đóng học phí và sẽ được xóa nợ nếu sau khi ra trường làm việc trong ngành sư phạm tối thiểu 5 năm.

Đây là một nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định quy định về chính sách tín dụng và hoàn trả vay tín dụng đối với học sinh, SV sư phạm vừa được Bộ GD&ĐT công bố. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này tốt nhưng chưa đủ.

Thần chú hết thiêng
Chính sách miễn học phí cho SV sư phạm đã thực sự có ý nghĩa lớn trong những năm đầu thực hiện 1997 - 1998. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc miễn học phí đã giúp ngành sư phạm thu hút được SV giỏi với điểm đầu vào ở ngưỡng 26 - 27 điểm cho ba môn thi. Tuy nhiên, qua 20 năm, chính sách này không còn phù hợp khi mức sống người dân được nâng lên, vấn đề tìm việc sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm lại quá khó khăn, lương giáo viên thấp và công việc nhiều áp lực.

Sinh viên ngành sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước hiện có khoảng 40.000 cử nhân sư phạm đang thất nghiệp. Vì vậy, dù SV được miễn học phí nhưng học sinh không mặn mà theo học khiến điểm chuẩn ngành sư phạm ngày càng thấp. Theo ông Nguyễn Mạnh An - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, ế ẩm là tình trạng chung của ngành sư phạm trên cả nước, ở cả bậc đại học và cao đẳng. Là trường đào tạo sư phạm lớn nhất miền Trung nhưng nhiều năm nay, Đại học Hồng Đức phải “lấy tay trái nuôi tay phải” khi mở đào tạo đa ngành để lấy kinh phí duy trì ngành sư phạm. Theo ông An, trong bối cảnh đó, việc tiếp tục miễn học phí cho SV sư phạm là hợp lý để tiếp tục khích lệ người học vào sư phạm.
Đồng tình với quan điểm này, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, dù miễn học phí không còn ý nghĩa lớn như trước đây nhưng vẫn nên duy trì để thể hiện sự ưu ái của Nhà nước cho ngành học này. “Tôi đồng tình với Dự thảo quy định miễn học phí bằng cách xóa nợ tín dụng sau khi SV đi làm trong ngành giáo dục được 5 năm. Điều đó vừa thể hiện được chế độ đãi ngộ riêng với ngành sư phạm, lại vừa giảm lãng phí ngân sách khi SV sư phạm ra trường không làm đúng nghề” - ông Báo nói.
Miễn học phí phải đi đôi với việc làm
Ủng hộ việc nên miễn học phí cho SV sư phạm, nhưng GS Đinh Quang Báo cũng cho rằng, chính sách này chỉ có ý nghĩa… tinh thần, không nhiều ý nghĩa trong việc nâng chất lượng nhân lực ngành sư phạm trong điều kiện hiện nay. Theo ông, cần phải có nhiều chính sách khác mới có thể thu hút được người giỏi vào ngành này, trong đó yếu tố quyết định là việc làm và lương khi làm việc.
TS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó hiệu trưởng Phụ trách đào tạo, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng cho rằng, SV sư phạm được miễn học phí là một ưu ái, nhưng điều quan trọng nhất là đầu ra được giải quyết thỏa đáng. Đây cũng là kinh nghiệm thực tế của các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore. Các nước này cũng đã từng rơi vào tình trạng ngành sư phạm ế ẩm như Việt Nam, dù ngành này vẫn được miễn học phí, nhưng đất nước họ đã “lội ngược dòng” ngoạn mục nhờ áp dụng đồng bộ nhiều chính sách ưu ái.
Theo PGS Chew Hung Chang - Viện Giáo dục quốc gia Singapore, tại quốc đảo này, để thu hút sinh viên giỏi, ngoài việc miễn học phí, SV sư phạm còn được nhận trợ cấp bằng 60% mức lương khởi điểm của giáo viên. Số lượng đào tạo luôn được tính toán chặt chẽ để SV ra trường không bị thất nghiệp. Còn tại Malaysia, GS Nor Aishanh Buang – trường Đại học Kebangsaan, Malaysia cho biết, SV sư phạm không chỉ được miễn học phí mà còn được đảm bảo về đầu ra, được phân công công tác về các trường với chế độ đãi ngộ tốt. Với những chính sách đó, hiện sư phạm đang là những ngành học có chất lượng đầu vào tốt nhất ở những nước này. “Việc có hay không trả học phí không quan trọng, quan trọng là đầu ra của họ như thế nào” - GS Nor Aishanh Buang nhấn mạnh.

Quốc Tuấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xoa-no-tin-dung-cho-sinh-vien-su-pham-tot-nhung-chua-du-329675.html