Xóa nỗi ám ảnh xe đưa đón học sinh

Liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp bỏ quên HS trên xe đưa đón khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương lập tức đưa ra chỉ thị nóng về vấn đề này. Tuy nhiên, đâu là giải pháp hữu hiệu nhất để những việc đáng tiếc trên không còn xảy ra, vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan hữu quan.

Thanh tra GTVT Cầu Giấy phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra xe đưa đón trên địa bàn quận Cầu Giấy

Thanh tra GTVT Cầu Giấy phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra xe đưa đón trên địa bàn quận Cầu Giấy

Siết chặt quản lý

Chiều 6/8, cháu Lê Hoàng L. 6 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong khi nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón. Trong khi sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng quận Cầu Giấy điều tra làm rõ thì ngày 13/9, cháu Nguyễn Tấn Lợi, tên thường gọi là Quy (SN 2016) ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được phát hiện bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí (thôn Đoài, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) khiến các bậc phụ huynh thêm lo lắng.

Ngay sau sự việc cháu Lê Hoàng L. tử vong, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học. Các trường cũng đồng thời tăng cường kiểm tra công vụ, giám sát nội bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật việc ra vào trường học. Hiệu trưởng các trường, căn cứ vào phiếu đăng kiểm xe do cơ quan đăng kiểm cấp, cần chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát các phương tiện đưa đón học sinh.

Cô đưa đón HS Trường Đoàn Thị Điểm kiểm tra danh sách HS trước và sau khi đưa đón

Cùng với Hà Nội, Sở GD&ĐT Bắc Ninh chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt vấn đề đưa đón trẻ đến trường theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học.

Trong bối cảnh dư luận xã hội đang có sự quan tâm, bất an, mới đây (16/9), Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố…

Kiểm tra hàng loạt lái xe ô tô

Với ứng dụng ISchool Bus tại Trường
Đoàn Thị Điểm

Sau sự việc cháu Lê Hoàng L. tử vong, ông Phan Anh Tuấn - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy cho biết, Cầu Giấy là quận có nhiều trường sử dụng xe đưa đón HS. Vì vậy, quận đã tăng cường kiểm tra công vụ, giám sát nội bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật việc phương tiện ô tô đưa đón HS. Ông Phan Anh Tuấn cho biết, Đội Thanh tra GTVT phối hợp với Công an quận và Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã tiến hành lập chốt kiểm tra tại Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Yên Hòa, số 228 Trung Kính.

“Trong 2 ngày (17/9 - 18/9) lực lượng chức năng kiểm tra 20 phương tiện và lái xe của Trường Mầm non Hoa Đào và Trường Tiểu học Jent Pieget trên tổng số 26 trường sẽ kiểm tra trong thời gian tới. Qua kiểm tra, không phát hiện lái xe nào dương tính với ma túy và có nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều phương tiện, lực lượng chức năng ghi nhận không có bình chữa cháy và dụng cụ thoát hiểm theo quy định; không có khẩu hiệu, chứng chỉ tập huấn… ”, ông Tuấn thông tin.

“Việc kiểm tra được nhà trường và các doanh nghiệp rất quan tâm ủng hộ. Một số thiếu sót của lái xe được lực lượng chức năng nhắc nhở và các đơn vị cam kết hoàn thiện ngay…”, ông Tuấn nói.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện có 26 trường học từ mầm non đến THCS có hoạt động đưa đón học sinh. Từ tháng 9, các lực lượng chức năng quận Cầu Giấy sẽ thường xuyên kiểm tra đối với 26 trường học này.

Đưa công nghệ vào phục vụ đưa đón

Với hơn 4.000 HS trong đó có đến 85% HS sử dụng xe ô tô đưa đón của nhà trường, cô giáo Vũ Anh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Đoàn Thị Điểm (Trường Đoàn Thị Điểm) cho biết, mới đây đoàn kiểm tra của Thanh tra GTVT quận Bắc Từ Liêm, Công an quận Bắc Từ Liêm đã đến kiểm tra hệ thống xe đưa đón học sinh của nhà trường.

“Cả 2 cơ sở giáo dục của nhà trường hiện có 70 xe đưa đón HS hàng ngày. Hệ thống xe đều bảo đảm, việc kiểm tra như vậy là rất cần thiết, giúp nâng cao ý thức của những bộ phận liên quan…”, bà Tú nói. Bà Tú cũng cho biết, trong quá trình tuyển dụng, nhà trường lựa chọn các cô đưa đón học sinh có trình độ từ cao đẳng trở lên và ưu tiên học tại các trường sư phạm.

Là người đưa đón HS của Trường Đoàn Thị Điểm nhiều năm qua, cô Bùi Thu Huyền cho biết, bên cạnh việc tập huấn hàng năm mỗi cô đưa đón HS sẽ có một bộ tài liệu như: Quy trình đưa đón, nhật ký ô tô, danh sách HS và danh sách ký nhận hàng ngày…

“Mới đây nhà trường thử nghiệm ứng dụng ISchool Bus, để hỗ trợ thêm cho các cô đi xe, giảm thiểu rủi ro nhất có thể. Ứng dụng này nhà trường đưa vào thử nghiệm từ đầu tháng 9/2019…”, cô Huyền thông tin. Với ứng dụng ISchool Bus này, hệ thống cập nhật thông tin qua điện thoại sẽ giúp các cô đưa đón báo cáo đồng thời với cả quản lý nhà trường và phụ huynh học sinh về thời gian lên xuống, quá trình di chuyển của HS trên xe. Với hệ thống định vị này, phụ huynh nắm được xe ô tô đang đưa đón các em đến đâu, để chủ động được thời gian đưa đón con.

“Đối với lái xe đưa đón học sinh, cùng với việc phối hợp kiểm đếm HS như cô đưa đón, tôi duy trì việc kiểm tra vệ sinh trên xe trước và sau khi HS xuống, kiểm tra bàn giao đủ HS cho cô giáo quản lý mỗi ngày…”, ông Hoàn chia sẻ.

Ông Lưu Đình Hoàn, lái xe vận chuyển học sinh Trường Đoàn Thị Điểm gần 10 năm qua cho biết, hoàn toàn ủng hộ công tác kiểm tra của lực lượng chức năng. Việc kiểm tra như vậy là rất cần thiết, giúp nâng cao ý thức của những bộ phận liên quan.

Để việc đưa đón học sinh diễn ra an toàn, theo ông Hoàn trước tiên người lái xe khi tham gia giao thông cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xoa-noi-am-anh-xe-dua-don-hoc-sinh-4035094-b.html