Xóa ranh giới trong phát triển kinh tế

Liên kết vùng là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế 'khép kín' của địa phương và khai thác tối đa nguồn lực của xã hội; loại bỏ sự chồng lấn trong phân vùng, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính...

Cảng Hải Phòng giữ vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Điều phối vùng chưa hiệu quả

Vấn đề phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng kinh tế được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hơn 10 năm qua, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, dù đạt được một số kết quả trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nhưng đến nay, vẫn chưa có sự nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, cách phân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa; hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả. Chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng chưa cao, tình trạng quá nhiều quy hoạch, ở cấp địa phương, quy hoạch không cần thiết gây lãng phí và phức tạp trong thực hiện.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên trăn trở: Cần giải quyết yếu tố lợi ích như thế nào để khắc phục tình trạng Việt Nam có 63 tỉnh, thành cũng có nghĩa là 63 nền kinh tế? Nguồn lực có hạn, nếu tỉnh, thành nào cũng tính đến lợi ích riêng, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chung của kinh tế vùng, kinh tế đất nước...

Thu hút doanh nghiệp phát triển kinh tế vùng

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cưu Quản lý kinh tế Trung ương, thời gian qua, cơ cấu kinh tế vùng đã được quan tâm và có sự chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Chẳng hạn, vùng Tây Nguyên có cà phê, cao su, hoa và rau sạch; vùng đồng bằng sông Cửu Long có lúa gạo, thủy sản và trái cây; đồng bằng sông Hồng có sản phẩm phần mềm tin học, dược phẩm…. Tuy nhiên, các liên kết mang tính lâu dài, chiến lược hơn như phát triển mạng lưới khu công nghiệp, mạng lưới giao thông, thu hút và quản lý đầu tư nói chung, đặc biệt là đầu tư FDI, giải quyết vấn đề ô nhiễm... vẫn chưa được chú trọng.

Thực tế hiện nay, nhiều vấn đề cấp bách của vùng xuất hiện, mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như: Biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên; quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc; phát triển hạ tầng, quản lý ô nhiễm và đầu tư ở các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển các vùng ven biển hải đảo, bãi ngang…

Các chuyên gia kinh tế đề xuất rà soát phân vùng hợp lý, khoa học và thực tiễn, phù hợp với giai đoạn mới phát triển đất nước các vùng kinh tế - xã hội và vùng kinh tế trọng điểm; loại bỏ sự chồng lấn trong phân vùng, hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, cần tập trung các nguồn lực của nhà nước, đồng thời cần tạo lập thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế vùng.

Nhiều vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa; hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu thể chế quản trị…

Liên Hoa

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/xoa-ranh-gioi-trong-phat-trien-kinh-te-67234.html