'Xóa sổ' một làng hến ven sông Lam?

Do tình trạng khai thác cát, sạn ồ ạt làm biến đổi dòng chảy; ô nhiễm nguồn nước khiến con hến cạn kiệt và biến mất. Bến hến Hao Hao vắng tanh, nốc, thuyền nằm bờ gỉ sét.

Những ngày trung tuần tháng 3 âm lịch, chúng tôi tìm về bến Hao Hao (xóm rú Trét, xã Khánh Sơn, Nam Đàn) - nơi nổi tiếng với nghề “đi hến” một thời. Hến rú Trét nổi tiếng thơm, ngọt, thịt dai rất "được lòng" thực khách gần xa, tư thương về thu mua luôn tại bến, người dân không mất công đi bán. “Đi hến” là nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân một số xóm ở Khánh Sơn, đặc biệt là xóm rú Trét (xóm 2).

Vào mùa khai thác hến nhưng bến Hao Hao vắng hoe. Ảnh: Thục Dương

Vào mùa khai thác hến nhưng bến Hao Hao vắng hoe. Ảnh: Thục Dương

Nhưng nay, do tình trạng khai thác cát, sạn ồ ạt làm biến đổi dòng chảy sông Lam; ô nhiễm nguồn nước khiến con hến cạn kiệt và biến mất. Bến hến Hao Hao vắng tanh, nốc, thuyền nằm bờ gỉ sét. Những dụng cụ làm hến như nhủi, cào, rớ, lưới và con lăn đành gác chạn, cất nhà kho.

Dụng cụ đi hến của người dân Khánh Sơn (Nam Đàn) giờ đành phải "nằm vườn". Ảnh: Thục Dương

Hến không còn, người dân mất nghề, trở thành thất nghiệp. Một số hộ có đất vườn rộng chuyển sang trồng chanh, trồng rau; một số khác lại vào rừng bứt cây rành rành bện chổi trện bán; số còn trẻ vào Nam, ra Bắc ngược xuôi làm thuê, làm mướn kiếm kế sinh nhai.

Anh Hà Văn Huệ, người dân xóm 2 cho biết: “Nhà tui 6,7 anh em đều theo nghề đi hến. Con hến mang lại nguồn sống cho cả nhà. Mọi chi tiêu đều dựa vào con hến. Giờ hến cạn kiệt, chúng tôi thành thất nghiệp. Thời điểm ni đang nông nhàn, mọi năm, theo thuyền đi hến, ngày kiếm vài trăm ngàn, nay thì chịu bó gối ngồi không”.

Thời gian nông nhàn, đang là mùa hến, một số hộ tiếc công, xót của, mua dầu chạy thuyền đi cào thử, nhưng chẳng ăn thua. Chờ già nửa buổi chiều ở bến, chúng tôi mới gặp được hai vợ chồng anh Hải neo thuyền vào bờ. Anh nói chưng hửng: “Mất toi gần 200 ngàn tiền dầu, đi xuống mãi Nam Cường, Nam Trung, mất gần một ngày dầm nước, dầm nắng mà nỏ ăn thua. Thương lái gọi điện đặt hàng mà ri thì chỉ đủ nấu canh”. Anh nói, chỉ vào chỗ hến cào được trong ngày, ước chừng được dăm cân hến và một ít cá vặt, tính ra anh lỗ một nửa tiền dầu, đó là chưa tính hai vợ chồng mất một ngày công. “Ri thì gác thuyền thôi! Nỏ dám đi nựa mô! Mần ri tiền mô mà bù?”, chị vợ thở dài.

Số hến ít ỏi vợ chồng anh Hải bắt được sau một ngày dầm nước dãi nắng. Ảnh: Thục Dương

Đi dọc sông Lam đoạn chảy qua xã Khánh Sơn, ở các bến, thuyền đều nằm bờ, hiếm hoi lắm mới thấy một số người đi hến về. Nhưng đều chung kết quả “Không ăn thua!”. Điều này khác hẳn với cách đây 2 năm về trước, các bến đều nhộn nhịp thuyền về, đầy ăm ắp hến. Mùa hến (độ từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch) mỗi ngày, 1 thuyền (2 lao động) cào được cả tạ hến, kiếm tiền triệu dễ dàng. Mùa làm hến, cả làng vắng hoe, chỉ có ở sông là nhộn nhịp. Nay, thì ngược lại, lúa chưa đến mùa gặt, người dân hầu hết ở nhà, bến sông vắng hoe, còn hến thì “muốn nấu bát canh rau vặt với hến để ăn cũng khó! Muốn ăn phải đi chợ mua hến nơi khác về”, ông Viết Sơn cho biết.

Vậy là, nỗi lo xóa sổ làng hến Hao Hao giờ đang hiện hữu...

Thục Dương

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/xoa-so-mot-lang-hen-ven-song-lam-195381.html