Xoài Việt Nam thơm ngon hơn nhưng thất bại ở Nhật Bản

Quả xoài Việt Nam đã được lên kệ ở thị trường khó tính như Nhật Bản nhưng thất bại vì khâu bảo quản làm sản phẩm thối hỏng.

Theo chia sẻ của GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam tại hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam” do LHH Việt Nam tổ chức, hoa quả Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Điều đó khẳng định được chất lượng hoa quả Việt Nam.

Xoài Việt Nam sang Nhật nhưng khó có cửa cạnh tranh.

Tuy nhiên, sau một thời gian, quả xoài lại có xu hướng bị giảm tiêu thụ bởi không cạnh tranh được. Quả sớm bị héo vỏ, chín nhanh và dễ thối hỏng.

"Lúc đầu, xuất khẩu quả xoài sang Nhật được đánh giá là tốt vì xoài Việt Nam thì thơm, ngon hơn các xoài ở nước khác. Nhưng sau đó, xoài xuất giảm vì không cạnh tranh được" - GS.VS. Trần Đình Long chia sẻ.

Theo vị chuyên gia, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc quả xoài Việt bị giảm sút lượng mua tại thị trường Nhật Bản.

Thứ nhất là công nghệ bảo quản của Việt Nam chưa được tốt, thời gian bảo quản không kéo dài làm chất lượng quả bị ảnh hưởng. Bản thân quả xoài là một loại quả khó bảo quản. Tuy nhiên, đó mới là điều đáng bàn để phát triển công nghệ cao vào ứng dụng thực tiễn.

Việc kéo dài thời gian chín của quả xoài cũng nhờ vào công nghệ giống. Nhưng đó lại là vấn đề cần bàn riêng bởi trên thị trường, giống xoài đã không còn là giống thuần chủng mà bị lai tạo đi rất nhiều, khó có thể đăng ký thương hiệu Việt Nam.

Chưa kể, có thể ở Việt Nam cũng đã có các công nghệ và dây chuyền bảo quản hoa quả tốt tuy nhiên các nhà sản xuất lại chưa tìm được đến nhau.

Thứ hai, quá trình vận chuyển từ Việt Nam sang Nhật Bản là khá xa nên việc bảo quản là khó hơn, giá thành cũng bị đội lên. Đây là một phần của dịch vụ Logistic chưa được hoàn thiện.

Ở các nước thường sử dụng màng sinh học, màng thông minh để "bọc" hoa quả nhằm vận chuyển đường xa, tránh bị vi sinh vật có hại xâm nhập... Cùng với công nghệ tiên tiến hơn về bảo quản, nước ngoài cũng có sự chuẩn bị tốt hơn trong ngành dịch vụ Logistic: khâu bảo quản trên đường vận chuyển, chi phí vận chuyển, thủ tục hành chính..

Quả xoài Việt dù chưa bị loại khỏi thị trường Nhật nhưng sức mua đang bị giảm đi. Khi đã đưa được hàng hóa vào thị trường khó tính như Nhật Bản thì cần làm sao để sức mua tăng lên, không tăng nhanh thì tăng dần chứ tuyệt đối không nên để đánh mất thị trường.

Không chỉ riêng quả xoài mà những loại quả khác của Việt Nam cũng đang bắt đầu ở giai đoạn xây dựng thương hiệu, một số loại quả như chôm chôm, vải, xoài... của Việt Nam được gọi là xuất khẩu ra nước ngoài nhưng thực ra chỉ là những lô hàng mang tính chất giới thiệu. Để có thương hiệu về lâu dài thì cần phải có rất nhiều rào cản về kỹ thuật, thương mại.

Hội Giống cây trồng Việt Nam, ứng dụng kỹ thuật phục tráng các giống cây trồng bản địa như: Nếp cái hoa vàng; Tám thơm Hải Hậu; Nàng thơm; Nếp Cẩm; xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng hạt lép Chín Hóa, bưởi da xanh, Thanh long ruột đỏ, ruột tím, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn; nhãn lồng Hưng Yên…

Sản xuất chuỗi phải chú ý từng chi tiết

GS.VS. Trần Đình Long cho rằng, cần tổ chức sản xuất sao cho tốt, đạt các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận như VietGAP, GlobalGAP, các chỉ tiêu về bảo vệ thực vật, bảo quản... cũng phải đạt chuẩn, đảm bảo các hàng rào kỹ thuật của nước ngoài.

Để như vậy, cần chú trọng các yếu tố kỹ thuật ở ngay các vùng nguyên liệu: dùng công nghệ trong canh tác, sản xuất, công nghệ tiên tiến sau thu hoạch.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp cần được thể hiện trước mắt ở giống bởi nó quy định đến thương hiệu quả Việt Nam khi đăng ký thương hiệu trên quốc tế.

Có 2 vấn đề ở chọn giống: Một là giống bản địa thì phải phục tráng lại cho giống như giống thuần chủng để đảm bảo chất lượng của nông sản, đảm bảo các nước không thể cạnh tranh khi đăng ký thương hiệu.

Hai là giống mới tạo ra thì phải có công nghệ cao để lai tạo loại mới có giá trị cao.

Ví dụ, ứng dụng công nghệ sinh học đột biến, lai tạo các giống cây trồng mới có chất lượng, giá trị thương mại cao như, Rau- Hoa- Quả cao cấp: dưa hấu không hạt; dưa chuột bao tử; cà chua quả nhỏ; Dâu tây; Ngô nếp lai; Ngô đường; dưa lưới; Ổi Đài Loan… cẩm chướng thơm; cúc Nhật… Măng tây; Đậu tương rau; Lạc đen; Cây đậu núi cho dầu chứa Omega-3 cao hơn trong dầu Ôliu…

Hoa quả Việt vào được thị trường khó tính phải cố gắng duy trì

Thứ hai, cần chú ý tới quy trình canh tác, cần cơ giới hóa toàn bộ trên vùng canh tác rộng lớn để giảm giá thành, đồng thời kiểm soát được sản xuất an toàn.

Trong đó, trước mắt là tổ chức lại vùng nguyên liệu, không để manh mún, nhỏ lẻ. Sau đó phải giải quyết các vấn đề về phân bón: thuốc hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học... cũng phải đảm bảo các hàng rào kỹ thuật của nước ngoài.

Ở Việt Nam, nhà sản xuất đã hiểu được vấn đề này nhưng việc ứng dụng công nghệ vào vùng nguyên liệu mới ở giai đoạn đầu nên còn nhiều thách thức.

Thứ ba là công nghệ sau thu hoạch. Việt Nam hoàn toàn có thể tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu để tăng giá trị của sản phẩm chứ không xuất khẩu thô nữa.

Nếu sử dụng công nghệ bảo quản, cần tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển SX quy mô lớn, chất lượng nông sản ổn định lâu dài.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/xoai-viet-nam-thom-ngon-hon-nhung-that-bai-o-nhat-ban-3361207/