'Xoay chuyển tình hình biển Đông': Nỗi lo môi trường

Căng thẳng gia tăng tại biển Đông đã mang đến nhiều nỗi lo lắng cho ngư dân, tuy nhiên, với Xoay chuyển tình hình biển Đông (First News và NXB Tổng hợp TPHCM), tác giả James Borton cho rằng, có một lo lắng còn lớn hơn đang hiện diện ở khu vực, đó là tình trạng suy thoái môi trường nghiêm trọng đã và đang diễn ra tại đây.

Biển Đông là một trong những ngư trường giàu có nhất thế giới. Với diện tích gần 3,6 triệu km2, nó là con đường huyết mạch vận chuyển hơn 5.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm và cung cấp khoảng 12 % sản lượng đánh bắt cá của cả thế giới. Tuy nhiên, nơi này cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, từ việc tranh chấp chủ quyền “5 nước 6 bên” cho đến việc môi trường ngày càng xuống cấp vì biến đổi khí hậu, tình trạng axit hóa đại dương, khai thác quá mức…

Trước vấn đề này, James Borton, một nhà báo, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại của Đại học Johns Hopkins, và nhà “khoa học công dân” (citizen science) ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tập hợp những nghiên cứu và trải nghiệm của mình để viết cuốn sách Xoay chuyển tình hình biển Đông: Vì một tương lai bền vững nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển này.

"Xoay chuyển tình hình biển Đông" không chỉ là quyển sách cất lên tiếng nói của người dân địa phương mà còn là tiếng nói chung của khoa học và quốc tế

Bằng sự quan tâm sâu sắc đến biển Đông, James đã đi thực địa ở nhiều vùng đất khác nhau, từ vùng duyên hải miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long để quan sát và tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề. Trong quá trình này, ông luôn tìm cách trò chuyện thân tình cùng ngư dân để lắng nghe những khó khăn và lo lắng của họ.

Tác giả James Borton còn là nhà báo, ông đã lăn lộn khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam

Theo James Borton, tình trạng phát triển quá nhanh ở các vùng duyên hải, đánh bắt quá mức, tàn phá san hô… đã đưa tất cả mọi người phải đi ra “tuyến đầu” trong cuộc chiến bảo vệ môi trường ở vùng biển quan trọng này.

Điểm đặc biệt của quyển sách nằm ở chỗ nó được viết theo góc nhìn kép, kết hợp giữa nghiên cứu và ghi chép thực địa với nhiều câu chuyện thực tế và số liệu khoa học cụ thể để độc giả có được cái nhìn toàn cảnh về những gì đang xảy ra tại biển Đông.

Với kiến thức cùng trải nghiệm của mình, James cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể biến biển Đông thành “một vùng biển đoàn kết thay vì chia rẽ”. Cuốn sách là lời tuyên bố đầy mạnh mẽ của ông về vấn đề này.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xoay-chuyen-tinh-hinh-bien-dong-noi-lo-moi-truong-post713586.html