'Xoay trục' sang thị trường nội địa để ngành tôm vượt khó?

Trong khi hoạt động thả nuôi đang bị chậm trễ do thiếu nước mặn, thì xuất khẩu tôm cũng đối mặt với một năm đầy thách thức. Để ứng phó với những khó khăn, một số chuyên gia khuyến cáo cần 'xoay trục', đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Nhiều vùng nuôi tôm chủ lực thả giống chậm vì không có nước mặn. Trong ảnh là vùng nuôi tôm quảng canh ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh

Nhiều vùng nuôi tôm chủ lực thả giống chậm vì không có nước mặn. Trong ảnh là vùng nuôi tôm quảng canh ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh

Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ tôm năm nay cả nước sẽ thả nuôi 750.000 héc ta, trong đó, có 610.000 héc ta nuôi tôm sú và 120.000 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng và còn lại là các loại tôm khác. Sản lượng thu hoạch tôm các loại năm 2023 dự kiến đạt 1,08 triệu tấn, trong đó, có 280.000 tấn tôm sú và 750.000 tấn tôm thẻ chân trắng và còn lại là các loại tôm khác.

Tuy nhiên, tình hình xuống giống thả nuôi nuôi vụ tôm 2023 ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSL) diễn ra khá chậm vì thiếu nước mặn, nhất là đối những diện tích sản xuất theo mô hình quảng canh.

“Khát” nước mặn cho nuôi tôm!

Ghi nhận thực tế của KTSG Online tại các vùng nuôi tôm quảng canh ở huyện An Biên và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho thấy, năm nay là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây xảy ra tình nước mặn về muộn, khiến hoạt động thả nuôi của bà con nông dân diễn ra chậm hơn một tháng so với cùng kỳ.

Trong cuộc trò chuyện cùng KTSG Online, ông Lê Văn Tâm (71 tuổi), ngụ ấp Lô 3, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, kể rằng vào cuối tháng 2-2023, độ mặn thực đo bằng thiết bị chuyên dùng trên sông Cái Lớn (cách cống Cái Lớn khoảng 4 km) đạt khoảng 10 phần ngàn, trong khi độ mặn trên ruộng đạt mức 5 phần ngàn, cho nên bà con nông dân mới bắt đầu thả giống. “Như vậy, vụ nuôi năm nay xuống giống trễ so với cùng kỳ năm ngoái khoảng một tháng”, ông nói

Ông Nguyễn Văn Trưng, ngụ ấp Cái Nước, xã Đông yên, huyện An Biên cũng xác nhận, vụ tôm năm nay bà con nông dân ở khu vực này xuống giống trễ khoảng 1 tháng so với cùng kỳ do thiếu nước mặn.

Tương tự, nhiều cánh đồng ở khu vực nuôi tôm của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn đang trong tình trạng “phơi ao” chờ nước mặn để thả nuôi vụ mới.

Trong khi đó, ông Hồng Minh Thành, ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, người có 10 ao tôm theo mô hình quảng canh cải tiến, cho biết thời điểm cuối tháng 2-2023 độ mặn con kênh trước cửa nhà chỉ mới đạt mức 1 phần ngàn.

Tuy nhiên, do vụ thả nuôi đang chậm hơn cùng kỳ năm ngoái nên ông quyết định thả nuôi trước một ao, dù nguồn nước trong ao tôm đang ngọt. “Không có nước mặn nuôi vẫn được, nhưng tôm chậm lớn”, ông nói và cho biết, đối với những hộ có vốn, đầu tư theo mô hình công nghiệp thì khoan giếng lấy nước mặn thả nuôi.

Ông Nguyễn Văn Phỉ, ngụ ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, người có 2 héc ta đất nuôi tôm cho biết, vẫn đang chờ độ mặn tăng lên khoảng 3-4 phần ngàn để lấy nước vào ao thả nuôi vì nước ngọt tôm chậm lớn. “Ví dụ, bình thường độ mặn tốt, thì tôm nuôi 70 ngày có thể đạt kích cỡ 50 con/kg rồi, nhưng không có mặn nuôi 80 ngày mới đạt 100 con/kg”, ông dẫn chứng và cho rằng, việc này khiến người nuôi không có lãi.

Bên cạnh việc thiếu nước mặn, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, chi phí vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc thu ý) và con giống tăng cao trong khi giá tôm nguyên liệu giảm khiến người nuôi “e ngại” xuống giống vụ mới.

Đồng quan điểm, ông Trường Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào cao khiến nông dân người không mạnh dạng thả nuôi trong giai đoạn hiện nay. “Điều này rất khó trong việc mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng nguồn nguyên liệu”, ông nhấn mạnh.

Đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa để cứu ngành toán vượt khó. Ảnh: Trung Chánh

Kỳ vọng vào thị trường nội địa

Trong khi hoạt động thả nuôi vụ tôm mới bị ảnh hưởng do thiếu nước mặn, thì hoạt động xuất khẩu cũng đang và dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2023.

Tại hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023 diễn ra ở tỉnh Sóc Trăng vào hôm nay, 3-3, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ vượt con số 4,3 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái, thậm chí đạt 4,5 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, đứng ở góc phía doanh nghiệp, ông Hòe của VASEP không thể đưa ra được con số dự báo vì cho rằng tình hình xuất khẩu ngành tôm nay nay đang rất khó khăn. “Năm ngoái, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, nhưng qua biểu đồ thống kê của từng tháng, thì từ tháng 8 đến 11-2022 có dấu hiệu suy giảm rất nhanh, trong khi thông thường đây là thời gian xuất khẩu tăng cao nhất trong năm”, ông dẫn chứng và nhấn mạnh, hầu như không doanh nghiệp nào ký được hợp đồng mới đến tháng 4-2023.

Có một điểm đáng lưu ý, theo ông Hòe, sản lượng tôm sú của cả nước đạt khoảng 250.000 tấn/năm, nhưng qua số liệu xuất khẩu, thì khối lượng được đưa vào các nhà máy chế biến chưa đến 100.000 tấn, tức đã có một lượng lớn được đưa vào tiêu thụ thị trường nội địa. “Tôi nghĩ rằng, nội địa là thị trường tiêu thụ lớn và đang có dấu hiệu tăng trưởng nhanh”, ông nhấn mạnh và cho rằng, cần phải thay đổi chiến lược trong vấn đề phát triển xuất khẩu, tức khai thác mạnh hơn thị trường nội địa trong bối cảnh như hiện nay.

Thực tế, theo ông Hòe, đã có một số doanh nghiệp nuôi tôm phục vụ cho chế biến xuất khẩu, nhưng không có đơn hàng nên họ đã chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đó để bán hàng tươi sống trong nước với giá tốt hơn so với cấp đông trữ chờ xuất khẩu. “Điều đó cho thấy thị trường nội địa đang lớn dần lên, sẽ là đối tượng cần xem xét”, ông nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng giá thành sản xuất tôm Việt Nam lại cao hơn rất nhiều so với Ấn Độ, Ecuador sẽ là một bất lợi. “Chúng ta cần có giải pháp kéo giảm giá thành nuôi để gia tăng sức cạnh tranh của tôm Việt Nam”, ông đề xuất.

Để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay, bên cạnh việc gia tăng thị trường nội địa, VASEP khuyến nghị đẩy mạnh phân khúc tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa – vốn là lợi khác biệt của Việt Nam – cũng như gia tăng sản phẩm chế biến nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xoay-truc-sang-thi-truong-noi-dia-de-nganh-tom-vuot-kho/