Xoay xở vượt khó

Gần đây, chuyện giá vé máy bay tăng cao thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nó tác động rất lớn đến ngành du lịch và những người sử dụng dịch vụ.

Đối với ngành du lịch, giá vé máy bay tăng sẽ ảnh hưởng đến độ tiếp cận của thị trường, khách sẽ cân nhắc hơn khi giá nhích lên. Nếu giá vé máy bay càng tăng tiếp, ngành du lịch sẽ càng khó. Nhưng ở chiều ngược lại, vì sao giá vé máy bay tăng cao, cần nhìn vào quy hoạch giao thông công cộng của Việt Nam và bức tranh kinh doanh thực tế của các hãng.

Về quy hoạch, có nhiều loại phương tiện giao thông công cộng được phân cấp, phân tầng theo cự ly và nhu cầu, các mức chi phí sẽ khác nhau. Tiêu chí là thời gian di chuyển càng ngắn thì chi phí càng cao. Mỗi loại phương tiện đáp ứng nhu cầu khác nhau của người dân. Nhưng quy hoạch chung này đang có vấn đề, làm cho sự đầu tư của nền kinh tế tốn chi phí rất lớn.

Đơn cử như giá vé tàu hỏa, ô tô có khi còn cao hơn vé máy bay, dẫn tới việc quy hoạch đầu tư chiến lược cho đường sắt, đường bộ chưa hiệu quả. Nếu doanh nghiệp đầu tư thua lỗ thì càng không dám mạnh tay đầu tư tiếp. Lúc này, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành cần tính toán lại phân tầng này phù hợp với nhu cầu và điều kiện chi trả của người dân.

Với giá vé máy bay, câu hỏi là vì sao giá vé máy bay của Việt Nam cao so với nước ngoài? Đơn cử một yếu tố là do giá xăng dầu của chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nên giá xăng ở nước ngoài rẻ hơn 25% và khi bay quốc tế, các hãng có thể nạp nhiên liệu ở nước ngoài. Nếu tính bình quân, chi phí sẽ rẻ hơn bay nội địa. Phí hạ/cất cánh ở các nước cũng được giảm để hỗ trợ các hãng…

Ở thời điểm hiện tại, có tới khoảng 40 tàu bay A321 sử dụng động cơ Pratt & Whitney của một số hãng phải dừng khai thác để đưa vào bảo dưỡng dẫn đến tải cung ứng cho thị trường giảm. Muốn sửa động cơ cũng phải xếp hàng, trong khi chi phí bảo dưỡng, sửa chữa động cơ máy bay ngốn rất nhiều chi phí. Kết quả là giá thành vé máy bay bị đội lên cao, trong khi mới đây, Bộ Giao thông Vận tải mới chính thức tăng trần giá vé máy bay lên thêm từ khoảng 2% - 5%. Giá trần tăng nhưng vẫn chưa đủ bù đắp cho chi phí hoạt động của các hãng.

Trong bức tranh chung này, việc muốn các hãng hàng không hết lỗ là quá khó. Nhưng nếu tính sòng phẳng, hàng không cũng là ngành vận tải công cộng nên Chính phủ cần bảo đảm nguồn lực và lợi ích chung của người dân và nền kinh tế.

Như với du lịch, bản thân tôi rất muốn có giá vé máy bay thấp để thúc đẩy du lịch phát triển nhưng bài toán không dễ. Một giải pháp đang được Vietravel Airlines áp dụng là đẩy mạnh các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) cho công ty du lịch giúp tính toán chi phí và doanh thu tốt hơn.

Các hãng hàng không từng kiến nghị một cuộc họp riêng để tìm phương án giải quyết những khó khăn, bất cập. Về lâu dài, cần chiến lược quy hoạch lại ngành đường sắt và các ngành vận tải công cộng khác, để đồng bộ và người dân có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc đi lại, thúc đẩy thương mại, du lịch và cả nền kinh tế.

Thái Phương ghi

Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel và Vietravel Airlines)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xoay-xo-vuot-kho-196240323201835056.htm