'Xóm 3 không' trong lòng TP Móng Cái

Hơn 20 năm 'cắm sào' khai hoang, lập nghiệp tại thôn 7, xã Hải Đông (TP Móng Cái), nhóm dân cư với hơn 30 nhân khẩu đã nỗ lực sinh cơ, lập nghiệp. Vượt qua nhiều khó khăn trong điều kiện thiếu thốn, không điện, đường, trường, trạm, người dân ở đây bước đầu đã ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.

Mặc dù đã 74 tuổi, nhưng ông Tằng Chắn Coóng vẫn chăm chỉ cùng con cháu lao động sản xuất.

Gian nan sinh cơ lập nghiệp

Nói là “xóm 3 không” bởi cách đây hơn 1 năm, khi chúng tôi tìm đến xóm dân cư này, cuộc sống của người dân nơi đây gần như vẫn tách biệt với bên ngoài do đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Cả xóm có 7 hộ dân thì chỉ có 1 hộ gia đình lắp đặt được pin năng lượng mặt trời dùng để thắp sáng vào buổi tối; không trường học cho trẻ nhỏ, không trạm y tế.

Mỗi hộ dân trong xóm đều khai hoang được hàng trăm m2 đất nông nghiệp.

Trở lại "xóm 3 không" vào những ngày giáp Tết Canh Tý, khi chúng tôi vừa đến đầu ngõ đã gặp ông Tằng Chắn Coóng (74 tuổi), người đầu tiên đến sinh cơ, lập nghiệp ở đây, đang cùng các con của ông cày ruộng, trồng hoa màu. Ngưng tay cày, ông Coóng tâm sự: Tháng 3/1996, khi xây dựng đập Tràng Vinh, gia đình tôi thuộc diện tái định cư, Nhà nước đã bố trí đất, kinh phí, lương thực cho chúng tôi tại khu vực định cư để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do vợ chồng tôi đông con, đất sản xuất nông nghiệp ở khu tái định cư không đảm bảo cho gia đình sản xuất, nên tôi đã đưa vợ con vào khu vực này dựng nhà tạm, khai hoang trồng lúa, phát nương trồng rừng. Đến nay, cuộc sống cũng dần vơi bớt khó khăn, bước đầu đã ổn định. Hiện nay, 4 người con trai và các cháu của tôi đều có hàng trăm m2 đất trồng lúa, rau, màu, vài ha rừng để sản xuất và đã xây được nhà mới. Đời sống dần ổn định, năm nay chúng tôi đón Tết ấm cúng hơn. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi luôn trăn trở là hiện cả xóm có 36 người, nhân khẩu thuộc thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, nhưng lại do xã Hải Đông quản lý về mặt hành chính theo hình thức đăng ký tạm trú đã khiến cho cuộc sống của chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn".

Ngoài sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, các hộ dân trong xóm còn tích cực chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Sau câu chuyện với ông Coóng, chúng tôi vào xóm gặp anh Sơn (con trai thứ 2 của ông Coóng) lúc anh đang căn chỉnh hệ thống pin năng lượng mặt trời mới lắp đặt để đảm bảo có điện dùng ổn định trong dịp Tết. Anh Sơn cho biết: Tết vừa rồi, cả xóm chúng tôi thật sự rất vui vì được Nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ một hệ thống pin năng lượng mặt trời đủ điện dùng để thắp sáng, xem tivi và bơm nước sinh hoạt. Có điện, cuộc sống của người dân trong xóm đã bừng sáng hơn, ăn Tết vui hơn.

Được biết, do chăm chỉ làm ăn, từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, gia đình anh Sơn đã xây xong ngôi nhà mới khang trang với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Hiện gia đình anh có 5ha rừng thông, 2ha rừng keo và 10 là ruộng (1 là = 1.200m2), 7 con trâu và hàng chục con gia cầm các loại. Vừa rồi, gia đình anh Sơn đã thu hoạch hơn 1ha keo, mang lại thu nhập đáng kể... Vợ chồng anh Sơn có 8 người con, 2 con gái lớn đã lấy chồng, sinh sống ở địa phương khác; con trai cả sinh năm 1993, lấy vợ, ra ở riêng và sinh được 4 con (2 trai, 2 gái).

Anh Sơn căn chỉnh lại hệ thống pin năng lượng mặt trời của gia đình.

Không chỉ gia đình anh Sơn đã dần ổn định cuộc sống và đang từng bước phát triển kinh tế, các hộ khác, như: Gia đình anh Đặng Văn Hùng, Đặng Văn Tuấn, Đặng Văn Dũng, Đặng Văn Đoàn cũng có kinh tế ổn định. Đến hộ gia đình nào chúng tôi đều được nghe những câu chuyện xoay quanh việc khai hoang phục hóa, trồng rừng, chăn nuôi, phát triển sản xuất. Các gia đình trong xóm đều nhận vài ha rừng trồng thông theo Dự án trồng rừng Việt - Đức từ năm 2004 và 1-2ha trồng keo. Từ trồng rừng, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, các hộ đều mua sắm được xe máy, máy cày, máy xát gạo...

Khát khao con chữ

Qua câu chuyện với các hộ dân, chúng tôi được biết, từ nhiều năm qua do đường sá đi lại khó khăn, nên tất cả trẻ em ở đây đều không được đến trường. Phương tiện đi lại chính của người dân mỗi khi ra trung tâm xã Hải Đông vẫn là những chiếc thuyền nan, mủng.

Anh Sơn vẫn hàng ngày dạy chữ cho con cháu mình.

Anh Sơn tâm sự, từ khi các hộ dân sinh cơ, lập nghiệp ở đây, đã có gần 20 đứa trẻ sinh ra và lớn lên, chúng tôi đều tự dạy chữ cho con, cháu mình. Tuy nhiên, do không có chuyên môn, nên chỉ một số ít biết đọc, biết viết, có một số trẻ năm nay đã 13, 14 tuổi nhưng không biết đọc, thậm chí còn không nói được tiếng phổ thông. Năm 2015, TP Móng Cái đã tổ chức một lớp học xóa mù chữ cho trẻ em, người lớn trong xóm, tuy nhiên, sau lớp học tình trạng tái mù chữ vẫn lại diễn ra.

Người dân trong xóm luôn khao khát được nhập khẩu về xã Hải Đông.

Người dân trong xóm luôn trăn trở, mong mỏi được nhập khẩu về xã Hải Đông để định cư lâu dài, ổn định, để con em họ được đến trường học con chữ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chiều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Đông, cho biết: Từ năm 1996, Nhà nước triển khai xây đập Tràng Vinh và đã có hỗ trợ đất xây dựng nhà ở, tiền cũng như lương thực cho các hộ dân trong khu vực lòng hồ thuộc diện phải di dời. Khi đó, có 5 hộ dân xã Hải Sơn tự ý vào sinh sống tại khu vực lòng hồ Quất Đông, thuộc thôn 7, xã Hải Đông. TP Móng Cái đã nhiều lần vận động các hộ di dời đến nơi ở mới, nhưng các hộ dân đều không chịu đi.

Hiện nay, các hộ dân trong xóm này đã xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định sản xuất. Mặc dù hộ khẩu của các hộ dân này vẫn ở xã Hải Sơn, song do sinh sống ở xã Hải Đông nên xã đang quản lý theo diện đăng ký tạm trú. Xã đã báo cáo với thành phố về nguyện vọng của các hộ dân muốn được nhập khẩu về Hải Đông. Tuy nhiên, qua nhiều lần rà soát, xã Hải Đông chưa có quỹ đất, mặt khác, để người dân có cuộc sống ổn định tại khu vực này thì việc đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm là rất khó. Vì vậy, xã đã báo cáo, đề xuất với thành phố tiếp tục vận động các hộ dân về an cư lạc nghiệp tại bản Cao Lan, xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) để tiện cho công tác quản lý nhân khẩu và tạo điều kiện cho các hộ dân được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là để trẻ em trong xóm được đến trường. Đồng thời, xã cũng rà soát để giao đất nông, lâm nghiệp cho người dân phát triển sản xuất. Quan điểm của xã là không để người dân sống mãi trong rừng như vậy.

Hữu Việt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202001/xom-3-khong-trong-long-tp-mong-cai-2468234/