Xóm khô cá lóc xứ sở 'gạo trắng nước trong' tất bật vào Xuân

Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, đi theo quốc lộ 91B hướng về tỉnh An Giang khoảng 12km là tới xóm nghề khô cá lóc nổi tiếng ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy.

Không chỉ phục vụ nhu cầu của nhiều du khách mỗi khi có dịp đi ngang qua, món khô cá lóc của người dân nơi đây còn theo chân thực khách đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Từ giữa tháng Chạp đến nay, không khí nhộn nhịp của xóm nghề tăng gấp đôi so với ngày thường theo nhu cầu thưởng thức và mua làm quà biếu của thực khách vào dịp Tết đến Xuân về. Theo người dân địa phương, xóm nghề hiện có khoảng 20 hộ chuyên làm và bán khô cá lóc. Đặc biệt, có trường hợp cả hộ gia đình có đến 11 người cùng làm khô cá lóc gồm cha mẹ, anh chị em và cháu ruột.

 Khô cá lóc - đặc sản nổi tiếng xứ gạo trắng nước trong.

Khô cá lóc - đặc sản nổi tiếng xứ gạo trắng nước trong.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi được dịp “thị phạm” nơi chế biến loại khô dân dã này. Để đáp ứng số lượng cá làm mỗi ngày lên đến vài trăm kg, nhiều hộ còn đầu tư hẳn máy đánh vảy cá với công suất đánh vảy 50kg cá chỉ trong khoảng 30 phút.

Ngoài đánh vảy cá, tất cả các công đoạn còn lại đều nhờ hết vào sự nhanh nhẹn và khéo léo của bàn tay con người. Một người xẻ khô cá lóc giỏi ở đây có thể làm được 100kg cá chỉ trong 3 giờ đồng hồ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, một thợ xẻ khô cá lóc ở đây, cho biết: “Mỗi ngày, tôi có thể làm được từ 200kg cá lóc. Vừa làm cá, xẻ khô bán tại nhà, tranh thủ thời gian rảnh, tôi có thể làm cá thuê cho các hộ lân cận với tiền công 2.000 đồng/kg”.

Khô cá phải làm từ cá tươi, tẩm ướp gia vị đặc biệt. Người giỏi có thể xẻ đến 200kg cá trong một ngày.

Có dịp đến mua khô cá lóc ở đây, các bạn sẽ được nghe người dân chia sẻ hết sức chân thành về cách làm, công thức gia vị ướp cá để có những con khô ngon, bắt mắt và cả cách chế biến những món ăn từ loại đặc sản này.

Theo đó, món khô cá lóc ở đây được ướp với các gia vị cơ bản như muối, đường, bột ngọt và thêm ớt bột hoặc có cả tiêu xay nếu khách yêu cầu. Chị Lê Thị Mỹ Ngân, có thâm niên 4 năm trong nghề cho biết: “Muốn có khô ngon thì khô phải được làm từ cá sống. Sau đó đem ướp gia vị trong thời gian vừa đủ cho gia vị ngấm đều vào cá rồi mới đem phơi trên giàn dưới nắng chảng. Khoảng 20 phút thì lật, trở cá một lần để đảm bảo cá khô nhanh, đều và không bị cong”.

Từ 3 đến 3,5kg cá tươi mới được 1kg cá lóc khô.

Tùy loại khô nguyên con hay cắt đầu và khô một nắng, khô dẻo hay đủ nắng, sẽ có giá dao động từ 120.000 đồng – 180.000 đồng mỗi kg. Đặc biệt, món khô cá lóc đồng nguyên con có giá cao nhất: 250.000 đồng/kg. Còn đầu khô cá lóc được người dân bán với giá 20.000 đồng/kg cho những ai mê món canh chua cơm mẻ nấu với bắp chuối (hoa chuối).

Bác Nguyễn Thị Sa, người làm khô lâu năm nhất của xóm nghề với trên 10 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Làm khô cực, mỗi kg khô cá lóc được làm ra từ 3 đến 3,5 kg cá tươi. Trừ chi phí, chúng tôi chỉ lời chừng 10.000 đồng cho mỗi kg khô. Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của khách hàng gần xa, mỗi tháng, chúng tôi cũng kiếm được thu nhập từ 6-8 triệu đồng”.

“Không ngon không lấy tiền!”, là câu nói chắc cú của nhiều hộ dân ở đây khi giới thiệu về món khô của mình làm ra. Thật sự, với cách chăm chút của bà con xóm nghề dành cho món khô cá lóc, chịu khó “trực chiến” ngoài trời nắng, lật trở liên tục để cá khô nhanh và thật đều, khách hàng sẽ càng thêm trân trọng và cảm nhận đầy đủ hơn cái ngon của món ăn dân dã này.

Một số hình ảnh về làng nghề:

Bài ảnh Ngô Hải Sơn

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/xom-kho-ca-loc-xu-so-gao-trang-nuoc-trong-tat-bat-vao-xuan-81735.html