Xóm lồng đèn lớn nhất TPHCM nhộn nhịp trước Tết Trung thu

Những ngày này, các hộ dân làm lồng đèn truyền thống tại Quận 11 đang hối hả hoàn tất các công đoạn để phục vụ Tết Trung thu. Dù lồng đèn điện tử ra đời ngày càng nhiều với sự đa dạng về mẫu mã, kích thước nhưng lồng đèn truyền thống vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường.

Xóm lồng đèn Phú Bình, Quận 11 được biết đến là nơi có nhiều hộ dân theo nghề làm lồng đèn truyền thống. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội kéo theo nhiều thay đổi nên nghề làm lồng đèn truyền thống không còn được ưa chuộng như trước, số hộ dân theo nghề chỉ còn trên đầu ngón tay

Nghề làm lồng đèn trải dài các tháng trong năm, nhưng tập trung cao điểm vào 3 tháng sát mùa trung thu. Để hoàn thành một chiếc lồng đèn truyền thống, người dân phải trải qua nhiều công đoạn như chẻ tre, làm khuôn, dán giấy, vẽ trang trí…

Khác với lồng đèn điện tử, lồng đèn truyền thống chủ yếu xoay quanh các các mẫu như gà, thỏ, cá, bướm, ngôi sao và các con vật hoạt hình khác. Tùy theo kích thước, mẫu mã mà lồng đèn sẽ có các mức giá khác nhau

Các hộ theo nghề làm lồng đèn tại Quận 11 đều có thâm niên trên 10 năm, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ theo nghề. Ngoài việc kiếm thêm thu nhập duy trì cuộc sống họ còn muốn lưu giữ cái nghề mà ông cha để lại

Một xưởng lồng đèn tại Quận 11 thuê nhân công vẽ tạo hình và trang trí thêm các họa tiết vào các lồng đèn truyền thống để tạo sự thích thú cho trẻ em

Nữ nhân công tại xưởng lồng đèn chăm chú vẽ tạo hình lên các lồng đèn truyền thống. Trung bình 1 ngày, nữ nhân công này gia công, vẽ trang trí được khoảng 200 chiếc lồng đèn

Theo những nghệ nhân tại xóm lồng đèn, nhu cầu tiêu thụ lồng đèn năm nay cao hơn hẳn mọi năm, nhiều trường học, địa phương đặt với số lượng lớn để phục vụ các em nhỏ trong mùa trung thu

Chú Sĩ, người dân tại xóm lồng đèn Phú Bình đang tỉ mỉ vẽ họa tiết cho chiếc lồng đèn truyền thống. Gia đình chú chủ yếu làm lồng đèn theo 4 con vật gà, thỏ, cá, bướm; mỗi chiếc lồng đèn cỡ nhỏ chú bán với giá sĩ khoảng 20.000 đồng

“Làm nghề này lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài chứ để làm giàu thì rất khó. Tôi theo cha mẹ làm lồng đèn từ ngày còn nhỏ, đến bây giờ lồng đèn làm ra vẫn được thị trường chấp nhận là vui rồi, nói chung mình cứ cố gắng để gìn giữ cái nghề mà cha ông để lại”, chú Sĩ nói

Lồng đèn không chỉ lưu giữ nét văn hóa của dân tộc Việt Nam mà còn đảm bảo cho sức khỏe cho các em nhỏ khi chơi

Hình ảnh các em thiếu nhi nâng niu, gìn giữ những chiếc lồng đèn khiến những nghệ nhân làm lồng đèn cảm thấy vô cùng hạnh phúc, mãn nguyện

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/xom-long-den-lon-nhat-tphcm-nhon-nhip-truoc-tet-trung-thu-165956.html