Xóm lồng đèn Phú Bình: Đắt khách hơn nhưng vẫn lo nghề mai một

Khi những chiếc lồng đèn xinh xắn được treo khắp các gian hàng, sẵn sàng đến tay các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu thì cũng là lúc những hộ dân ở xóm lồng đèn Phú Bình (Q.11, TPHCM) gấp rút hoàn tất mẻ hàng cuối cùng của mùa cao điểm sản xuất trong năm.

Xóm lồng đèn Phú Bình là một trong những khu dân cư có nghề làm lồng đèn Trung thu thủ công lâu năm tại TPHCM. Nơi đây từng là một làng làm lồng đèn, tuy nhiên, qua những thăng trầm cuộc sống, hiện giờ chỉ còn khoảng trên dưới chục hộ theo nghề này, nằm rải rác trong khu vực xung quanh giáo xứ Phú Bình.

Theo ông Nguyễn Sĩ, người làm lồng đèn lâu năm tại đây, những người làm lồng đèn phần lớn là người dân gốc Nam Định, có cha ông di cư vào miền Nam mang theo nghề truyền thống của quê hương, đó là nghề làm lồng đèn Trung thu. Những người đồng hương ấy tụ hợp, sinh sống cùng nhau và hình thành làng nghề cách đây gần 70 năm.

Ông Nguyễn Sĩ - người làm lồng đèn lâu năm tại Xóm lồng đèn Phú Bình

Cho đến nay, một số người ở đây vẫn theo nghề vì nhiều lý do khác nhau như vì lớn lên trong gia đình làm nghề và cứ thế nối tiếp công việc của ông, cha mình. Cũng có người tìm được sự đam mê, cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong nghề thủ công truyền thống mà nối tiếp...

Anh Trọng Thành cùng em trai tên Trọng Bình là 2 trong số những người còn giữ được đam mê với nghề thủ công này, sở trường là các loại lồng đèn cỡ lớn, kiểu dáng cầu kỳ. Anh Thành cho biết ngay sau rằm tháng Bảy là đã phải bắt tay vào thực hiện các đơn hàng đi khắp nơi. Công việc chuẩn bị nguyên vật liệu, phơi tre, vót nang... thì phải tiến hành từ đầu năm. Năm nay anh có thêm mẫu mới, đó là tái hiện các kiểu lồng đèn con cua, con cá lâu đời qua các bức ảnh chụp làng nghề truyền thống của người Pháp trước đây. Anh Thành cố gắng sao cho thể hiện được cái đẹp, cái hồn trong chiếc lồng đèn xưa mà ông bà từng tạo ra.

Anh Trọng Thành là người nối nghiệp làm lồng đèn từ cha mẹ mình, với sở trường các loại lồng đèn to, kiểu dáng cầu kỳ

Lựa chọn một thị phần khác, ông Nguyễn Sĩ chỉ sản xuất loại lồng đèn cỡ nhỏ như gà, thỏ, cá, bươm bướm… vì ông và vợ chỉ làm những lúc rảnh rỗi, song song với công việc khác. Đối với ông Sĩ, bên cạnh những chiếc lồng đèn công nghiệp thì khi cầm trên tay chiếc lồng đèn thủ công vẫn có cảm xúc đặc biệt hơn.

Trước sự lấn át của đèn Trung thu công nghiệp kiểu dáng mới lạ, kết hợp với yếu tố điện tử bắt mắt nhưng khách hàng có xu hướng quay lại với lồng đèn thủ công như gần đây là một tín hiệu mừng cho những người làm nghề. Tuy vậy, ông Sĩ vẫn còn đó nỗi lo thiếu đi một thế hệ nối tiếp làm nghề.

Vẽ là một trong những công đoạn quan trọng để thổi hồn vào chiếc lồng đèn Trung thu

Xóm lồng đèn Phú Bình ngày nay tựa như một ốc đảo ngày càng nhỏ dần của những người làm nghề thủ công mang tính thời vụ như làm lồng đèn Trung thu. Nhưng dù sao, những người còn bám trụ với nghề ấy vẫn đủ để góp một màu sắc truyền thống thú vị giữa nhịp sống công nghiệp hối hả tại một đô thị lớn như Sài Gòn.

Minh Tuấn (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xom-long-den-phu-binh-dat-khach-hon-nhung-van-lo-nghe-mai-mot-20220829192620354.htm