Xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình

Trải qua hơn 6 thập kỷ tồn tại với biết bao thăng trầm, xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình vẫn âm thầm hồi sinh và lưu giữ nét văn hóa đẹp.

Xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình, Q.11, TP.HCM được hình thành vào giữa thập niên 50 thế kỷ trước. Khi người dân từ Nam Định mang theo nghề làm lồng đèn truyền thống của quê hương mình vào Sài Gòn lập nghiệp.

Người tiêu dùng bắt đầu chuyển hướng sang ưa chuộng những sản phẩm trung thu truyền thống.

Lồng đèn truyền thống “hồi sinh”

Anh Hưng Thịnh (50 tuổi, ngụ Q.11) cho biết: “Lúc còn ở Nam Định gia đình tôi đã theo nghề làm lồng đèn rồi. Sau này, gia đình chuyển vào Nam sinh sống và tiếp tục làm nghề, tính đến nay cũng đã 3 thế hệ gắn bó”.

Anh Thịnh nhớ lại, vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề làm lồng đèn thủ công. Lúc đó, mặc dù mẫu mã không đa dạng như bây giờ, nhưng làm ra bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu, đúng kiểu “nhanh chân thì còn, chậm chân thì hết”.

Khi kinh tế phát triển, nhiều hàng hóa từ bên ngoài đổ vào, trong đó có những mặt hàng phục vụ Trung thu bằng điện tử, khiến cho chiếc lồng đèn thủ công giấy kiếng trở nên lép vế.

Ông Nguyễn Văn Quyền (57 tuổi, ngụ Q.11) tâm sự: “Hàng Trung Quốc nhập về “dập” lồng đèn truyền thống tơi tả. Hàng làm ra không bán được, phải “bán đổ, bán tháo”, đến nỗi hộ làm lồng đèn lâu năm phải bán nhà chuyển đi nơi khác kiếm kế sinh nhai vì không đủ tiền trả tiền vật liệu, chi phí nhân công”.

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng lại chuyển hướng sang ưa chuộng những sản phẩm Trung thu truyền thống vì sự tỉ mỉ, trí tuệ, công phu của người thợ đã làm ra những sản phẩm lồng đèn tinh xảo, bắt mắt. Hơn nữa, lồng đèn Trung Quốc không an toàn cho trẻ em khi sử dụng cũng như mẫu mã không còn thu hút.

“Trải qua biết bao thăng trầm, hiện tại làng nghề Phú Bình còn chưa đến 10 hộ theo nghề. Chúng tôi làm nghề là vì truyền thống, nét văn hóa lâu đời của dân tộc” - ông Quyền trầm ngâm.

Hiện tại, làng nghề Phú Bình đang dần “hồi sinh” trở lại, số lượng lồng đèn cung ứng cho thị trường ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, lồng đèn truyền thống đang dần đa dạng về mẫu mã, màu sắc, chất liệu, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm đèn điện tử.

“Nghề này làm quanh năm, chủ yếu giao về các tỉnh, trường học, các tổ chức thiện nguyện. Hiện tại, tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, có những đơn đặt hàng tận Hà Nội, Ðà Nẵng, Hội An…” - ông Quyền cho biết.

Qua tìm hiểu, các đầu mối ở chợ Bình Tây cho biết, hai năm nay không nhập lồng đèn Trung Quốc nữa, chỉ một vài sạp còn sót lại lồng đèn này từ những mùa trước.

Xóm lồng đèn Phú Bình hồi sinh giúp cho nhiều lao động có việc làm.

Trung bình một người thợ chỉ làm được khoảng 10 chiếc lồng đèn/ngày.

Chi phí đắt, đầu ra hạn chế

Chị Kim Thu (40 tuổi, ngụ Q.11) cho biết, đã làm lồng đèn được 30 năm nay. Năm trước gia đình chị sản xuất 2.000 chiếc, năm nay 3.000 chiếc. Trung bình lãi chỉ từ 4.000-5.000 đồng/chiếc.

Chị Thu phấn khởi: “Rằm tháng 7 là thời điểm thị trường lồng đèn hoạt động mạnh nhất. Dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Trung thu nhưng hiện tại nhiều khách đã đặt hàng trước”.

Trung bình mỗi chiếc lồng đèn giá trên 10.000 đồng, đắt nhất thì cũng không quá 50.000 đồng. “Một cây tre lồ ô giá 60.000 đồng làm được 40-50 khung lồng đèn, cộng với tiền giấy kiếng 3.000 đồng/tờ, dán được 2-3 khung đèn và tiền công vẽ… Trung bình một người thợ chỉ làm được khoảng 10 chiếc lồng đèn/ngày” - ông Quyền cho biết.

Thị trường mở rộng không chỉ riêng các cơ sở sản xuất lồng đèn vui, mà nhiều hộ nhận gia công cũng rất phấn khởi. Ông Tạo Sáng (63 tuổi, ngụ Q.11) nói: “Gia đình tôi nhận gia công lồng đèn cũng hơn 20 năm rồi. Mỗi chiếc lồng đèn như vậy tôi được trả 1.500 đồng, mỗi ngày gia đình dán hơn 100 chiếc”.

Thực chất, mỗi chiếc lồng đèn giấy kiếng có giá không cao nhưng chi phí vận chuyển thì lại khá cao.

Ông Sáng giải thích: “Trẻ em nông thôn vẫn còn thích loại lồng đèn giấy kiếng này lắm, nhưng không dễ mà có được. Giá khởi điểm là 10.000 đồng/chiếc, nhưng về tới các tỉnh thì đã đội lên 30.000-50.000 đồng/chiếc. Đắt quá, làm sao cha mẹ ở nông thôn mua được cho con mình chơi? Do vậy để giữ được nghề truyền thống này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường”.

Lồng đèn Phú Bình không nằm ngoài quy luật, nếu không giải được bài toán thị trường thì bấp bênh sẽ tiếp tục bấp bênh như bao năm qua.

Mỗi chiếc lồng đèn giấy kiếng có giá không cao nhưng chi phí vận chuyển thì lại khá cao.

Bài & ảnh: Phan Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/xom-long-den-truyen-thong-phu-binh-d69366.html