Xóm nhà truyền thống người Ê Đê giữa lòng phố thị

Buôn Akõ Dhông nằm cuối đường Trần Nhật Duật, cách TP Buôn Ma Thuột hơn 2 km về hướng Bắc, là nơi lưu giữ nhà sàn truyền thống của người Ê Đê.

 Hiện tại, toàn buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài xếp dọc theo con đường chính. Nhà là một nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê, nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Buôn được lập năm 1964 với tên gọi đồn điền Saint Benoit - cơ sở trồng cà phê và truyền đạo cho người Ê Đê.

Hiện tại, toàn buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài xếp dọc theo con đường chính. Nhà là một nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê, nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Buôn được lập năm 1964 với tên gọi đồn điền Saint Benoit - cơ sở trồng cà phê và truyền đạo cho người Ê Đê.

Buôn Akõ Dhông được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng với ngành nghề mũi nhọn là trồng cà phê. Đến năm 2012, buôn được chọn là một trong những buôn điển hình tại Đắk Lắk để gìn giữ ngôi nhà sàn truyền thống. Những ngôi nhà này có hình dáng như một con thuyền, cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra ở phía hông, bên trong nhà có trần gỗ hình vòm giống mui thuyền.

Buôn Akõ Dhông tọa lạc tại vùng đất bắt nguồn của sáu con suối, trong đó có Ea Nuôl, con suối lớn nhất Buôn Ma Thuột. Trong tiếng Ê Đê, Akõ Dhông là "đầu nguồn suối" nên ngôi làng được đặt theo tên này. Ngày nay, buôn Akõ Dhông là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch mỗi khi đến Đắk Lắk.

Trước các nhà có 2 cầu thang lên xuống. Một trong số đó là cầu thang cái dành cho phụ nữ và khách quý. Đỉnh cầu thang được đẽo giống mũi tàu, phía dưới có vầng trăng khuyết và đôi bầu sữa tượng trưng cho quyền lực của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ.

Người Ê Đê chuộng dùng tạo hình tự nhiên, sẵn có của các loại gỗ trên rừng làm biển hoặc vật dụng trang trí trong nhà.

Người Ê Đê thích thú việc điêu khắc các tượng hình chim, thú, hoa văn cho ngôi nhà của mình, nhất là tại các cửa, lối đi chính. Điều này thể hiện sự tinh tế của gia chủ.

Cây xanh, hoa cỏ đặc trưng của vùng miền Tây Nguyên khoe sắc quanh các căn nhà, khiến chúng trở nên thu hút hơn.

Nhiều bạn trẻ thích thú trải nghiệm cảm giác sinh hoạt, vui chơi tại những căn nhà truyền thống của người Ê Đê. Theo nhiều ý kiến, đây không đơn thuần chỉ có giá trị kiến trúc, văn hóa, mà còn biểu hiện cho sự tinh tế, cần mẫn trong đời sống lao động của người Ê Đê xưa.

Một "gia đình" được mô phỏng lại bằng tượng gỗ, đặt gần khu cửa ra vào các ngôi nhà. Đây là các tạo hình đặc trưng, dễ nhận biết của người Ê Đê.

Các ngôi nhà sàn ở đây đều được lợp mái ngói.

Một chiếc phản bằng gỗ nguyên khối. Theo gia chủ, đây là vật dụng không thể thiếu trong các ngôi nhà truyền thống của đồng bào Ê Đê.

Các vật dụng như chum vại, ché, các túi được đan đát bằng dây mây... hơn 100 năm tuổi vẫn được lưu giữ tại các ngôi nhà.

Ông Y Srol Knul (79 tuổi, ngụ buôn Akõ Dhông) cho biết căn nhà của ông được dựng từ năm 1972, đến nay gần 50 năm nhưng chưa sửa lần nào. Cũng theo ông, phần lớn những ngôi nhà sàn trong buôn cũng có tuổi tương tự như ngôi nhà của ông, hoặc ít hơn.

Ông Y Sorl cho biết thêm, căn nhà ông ở được làm từ nhiều loại gỗ quý, nguyên bản của núi rừng Tây Nguyên xưa và không bị mối mọt. Nhà truyền thống thường được chia làm 2 phần, nửa phía trước là không gian sinh hoạt chung, nửa phía sau là bếp nấu ăn và không gian riêng các đôi vợ chồng.

Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, buôn nhà sàn truyền thống này được chọn là một trong số những sản phẩm du lịch ấn tượng, nổi bật. Do đó, việc duy trì, trùng tu và giữ gìn giá trị văn hóa của các ngôi nhà được chú trọng.

Phạm Ngôn - Minh Quý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xom-nha-truyen-thong-nguoi-e-de-giua-long-pho-thi-post1105688.html