Xót xa những đứa trẻ bị bỏ rơi: 'Mẹ ơi! Con cần có mẹ!'

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những trường hợp trẻ nhỏ, thậm chí có bé mới chỉ 2 ngày tuổi bị cha mẹ, người thân bỏ rơi khiến người chứng kiến không khỏi xót xa.

Xót xa những đứa trẻ bị bỏ rơi

Cặp chị em song sinh được phát hiện nằm bên vỉa hè tại Hà Nội khiến cộng đồng mạng xót thương.

Ngày hôm qua, câu chuyện về 2 chị em sinh đôi mới hơn 1 tháng tuổi bị bỏ rơi khiến nhiều người thương xót.

Theo đó, tối ngày 29/9 người dân sinh sống trong khu vực khu đô thị Gamuda Gardens (Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện hai đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ven đường. Cụ thể người dân phát hiện cặp chị em sinh đôi được đặt trong một chiếc giỏ đựng quần áo, nằm tại một góc vỉa hè đi kèm theo đó là tâm thư được cho là của mẹ bé để lại.

"Tôi là mẹ đơn thân, tôi chưa lập gia đình chẳng may lỡ dở ngày 25/8 sinh ra hai cháu, do các cháu sinh non nên tôi không thể nuôi được, tôi đành phải từ bỏ các cháu. Tôi mong ai nhặt được các cháu sẽ cưu mang nuôi nấng các cháu được nên người" - nội dung của bức thư được đặt cạnh đôi chị em song sinh hơn 1 tháng tuổi.

Cả hai bé ở chân có đeo giấy của Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội (ghi tên mẹ là Hứa Thị Thùy Linh sinh ngày 07/11/1997).

Hình ảnh hai đứa trẻ sơ sinh nằm trong giỏ quần áo khiến cư dân mạng xúc động, cả hai chị em may mắn được người dân gần đó phát hiện trước khi cơn mưa đổ xuống. Vì hai cháu bé được đặt dưới nền gạch thấp, nếu mưa to thì chắc chắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện tại, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đang tích cực tìm kiếm người thân của 2 cháu bé. Được biết hiện tại hai cháu bé đang được một gia đình sinh sống tại đường 3.3 Khu đô thị Gamuda Gardens, phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian UBND phường Trần Phú tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định.

Bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi.

Chỉ trước đó 1 ngày, một bé trai 2 tuổi bị người thân bỏ rơi vào lúc rạng sáng. Nhìn nụ cười của bé khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Theo đó, vào chiều 28/9, lãnh đạo UBND phường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chính quyền địa phương đã tiếp nhận một cháu bé khoảng 2 tuổi do người dân nhặt được tại đầu ngõ 307 Giảng Võ.

Cụ thể, vào khoảng 4h30 phút sáng cùng ngày, người dân ở ngõ Giảng Võ đi thể dục thì phát hiện một bé trai đang đứng ở đầu ngõ. Lúc này, trời lất phất mưa, cháu bé đứng một mình, trên tay cầm theo một chiếc túi, bên trong có 1 bộ quần áo, 3 cái bỉm, vài món đồ chơi kèm mảnh giấy ghi tên bé "Đức An 16/11/2020" và 1 bình sữa còn ấm.

Theo lãnh đạo UBND phường Cát Linh, hiện địa phương vẫn đang chăm sóc cháu bé, cháu hoàn toàn khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Trước mắt phường sẽ làm theo quy định và đưa cháu bé về Trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

Cháu bé bị bỏ rơi

Vào ngày 29/9, công an xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vừa thông báo tìm bố mẹ đẻ của bé trai 3 ngày tuổi bị bỏ rơi trước cửa nhà dân.

Trước đó ngày 27/9, Công an xã Giáp Sơn tiếp nhận tin báo của chị Đào Thị Duyên (SN 1995, trú tại thôn Trại Mới, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) về việc, khoảng 22h10 cùng ngày, chị Duyên đi ra phía trước cửa nhà, phát hiện chiếc giỏ nhựa màu hồng, bên trong có một trẻ sơ sinh. Bên cạnh chiếc giỏ có một túi bóng màu đen bên trong chứa một số đồ dùng.

Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an xã Giáp Sơn đến hiện trường lập biên bản. Qua kiểm tra, cháu bé có giới tính nam, được đặt trong chiếc giỏ nhựa màu hồng cùng một tờ giấy ghi: "Em không đủ khả năng nuôi con, mong gia đình nhặt được giúp đỡ em nuôi bé. Bé 3 ngày tuổi, nặng 2,8kg".

Kiểm tra y tế, sức khỏe bé trai bình thường. Hiện, gia đình chị Duyên có nguyện vọng được nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé trong thời gian tìm bố mẹ đẻ của cháu. Nếu không tìm được bố mẹ bé, gia đình chị Duyên xin được làm thủ tục nhận bé làm con nuôi theo quy định.

Hãy cho con được ấm trong vòng tay mẹ

Thực tế lâu nay có hàng trăm em nhỏ bị cha mẹ ruột bỏ rơi. Phần lớn là vì hoàn cảnh như khó khăn, không đủ khả năng nuôi dưỡng hoặc điều kiện gia đình không cho phép... Có nhiều cách giải quyết khác nếu không muốn nuôi dạy trẻ để trẻ không gặp nguy hiểm khi bị bỏ rơi.

Trên thực tế, có những trẻ em bị bỏ rơi khi được phát hiện các em đã không còn cơ hội được sống để thấy tương lai ngày mai. Có em may mắn được cứu sống kịp thời, nhưng lại bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe, để lại di chứng, sự khủng hoảng về mặt tâm lý đến suốt cuộc đời.

Trên thực tế, tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hiện nay vẫn còn nhiều, không chỉ trẻ sơ sinh mà cả những trẻ có độ tuổi từ 3-5 tuổi vẫn bị bỏ rơi.

Nguyên nhân chính là do người làm cha, mẹ chưa có đầy đủ nhận thức về việc nuôi dạy con cái. Bản thân trẻ sinh ra đã trở thành một công dân, có quyền được sống, được bảo vệ như mọi công dân khác.

Theo chuyên gia, muốn ngăn triệt để được hành vi vứt bỏ con, xã hội cần phải chú ý hơn đến đối tượng phụ nữ mang thai. Cần vận động, tuyên truyền kiến thức pháp luật giúp họ hiểu được vai trò của con cái, vứt bỏ những hủ tục như phân biệt giới tính.

Phải làm sao cho họ hiểu việc vứt bỏ con như vậy là tội ác, phải chịu trách nhiệm ra sao, đồng thời phải có khung hình phạt nhất định, răn đe giáo dục, tuyên truyền về ý thức nuôi dạy con cái...

Những trường hợp không đủ khả năng nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ có thể liên hệ với các cơ quan đơn vị như các hội để được hỗ trợ công ăn việc làm ổn định, hoặc gửi trẻ vào trung tâm bảo trợ, các địa điểm nhận nuôi trẻ uy tín do các hiệp hội giới thiệu để nuôi dưỡng và có thể quay lại nhận con khi cuộc sống ổn định.

Nghiên cứu tâm lý học cho thấy sự gắn bó sớm mẹ con có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân cách và trí tuệ của đứa trẻ sau này. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, hay những đứa trẻ sống trong cô nhi viện thường có tỉ lệ tăng trưởng chiều cao cân nặng thấp hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Chúng cũng có lòng tự trọng thấp, tự ti và luôn có mặc cảm tội lỗi vì mình bị bỏ rơi.

Những đứa trẻ này thường có xu hướng lo lắng quá mức khi bị tách ra khỏi người chăm sóc và có xu hướng ám ảnh sợ xã hội, thường sống cuộc sống xa lánh xã hội. Khi lớn lên, chúng cũng sẽ khó có khả năng gắn bó cảm xúc hay tin tưởng người khác.

Tỉ lệ trẻ thiếu hụt tương tác sớm mẹ con cũng thường gặp các tổn thương sức khỏe tâm thần như chán ăn, lo âu trầm cảm, tức giận, nghiện chất, rối loạn stress sau sang chấn và có tỉ lệ hành vi phạm tội cao hơn những đứa trẻ sống trong gia đình nguyên vẹn.

Cách rèn tính tự giác giúp con chủ động hơn trong cuộc sống

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xot-xa-nhung-dua-tre-bi-bo-roi-me-oi-con-can-co-me-172221001181739933.htm