Xót xa phận giáo viên hợp đồng

Trong thời gian qua, tại nhiều địa phương đã thực hiện hoặc dự kiến cắt giảm hợp đồng đối với những giáo viên đang giảng dạy trong trường học. Đặc biệt, dư luận lại đang xôn xao về việc gần 300 giáo viên dạy hợp đồng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị mất việc ngay đầu năm học mới này.

Tại nhiều trường, dù thiếu giáo viên nhưng cũng không được tuyển dụng thêm theo diện biên chế. Ảnh: ST.

Nguy cơ mất việc sau cả chục năm cống hiến

Huyện Thanh Oai có gần 300 giáo viên hợp đồng đang đứng trước nguy cơ mất việc do UBND huyện này dự kiến chấm dứt hợp đồng theo quyết định của thành phố.

Những lao động nằm trong diện bị chấm dứt hợp đồng phần lớn đều là những giáo viên lâu năm, có thâm niên từ 8-23 năm, độ tuổi chủ yếu từ 40-45 tuổi và đều là giáo viên hợp đồng. Vì thế, nhiều giáo viên đang hoang mang không biết sẽ làm gì để kiếm sống.

Cô T.D, giáo viên tiếng Anh một trường THCS của Thanh Oai đã gắn bó và công tác trong nghề giáo từ 1997 đến nay không khỏi bất ngờ, hoang mang khi nghe tin huyện sắp cắt hợp đồng lao động.

“Những năm 1996-1997, chúng tôi được Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai ký hợp đồng vô thời hạn, với mức lương chỉ có 120.000 đồng/tháng. Vào năm 1997, khi thành phố Hà Nội tổ chức thi biên chế vào ngành Giáo dục chúng tôi cũng thi, nhưng không được. Mặc dù lương thấp nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận dạy hợp đồng từ đó đến nay. Do vậy, khi biết tin UBND huyện sẽ cắt giảm những giáo viên hợp đồng, chúng tôi rất bàng hoàng. Với lứa tuổi như chúng tôi thì rất khó để tìm được những công việc khác”, cô giáo T.D bộc bạch.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giáo viên hợp đồng chỉ nhận mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng và không có phụ cấp thâm niên. Với mức thu nhập này, nhiều giáo viên hợp đồng không đủ để trang trải cuộc sống. Cô T.D chia sẻ: “Với mức lương thấp, trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội mỗi tháng tôi chỉ nhận về vỏn vẹn 1 triệu đồng. Chúng tôi bám trụ nghề cũng chỉ vì trót yêu cái nghiệp nghề giáo, dù mức thu nhập không đủ sống. Đến tuổi ngoài 40 tôi lại nghe tin bị cắt giảm, thử hỏi có ai không buồn, xót xa”, cô T.D. tâm sự.

Trước thông tin gần 300 giáo viên ở huyện Thanh Oai sắp bị cắt hợp đồng, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: “Có những người đã thi tuyển công chức ngành giáo dục đến 9 lần nhưng không được. Đây là việc các cơ quan quản lý cần phải lưu ý làm sao để việc tuyển dụng chính thức và ký hợp đồng là động lực cho người lao động muốn gắn bó với công việc”.

Theo ông Thắng, hàng năm các địa phương cần phải tổ chức thi sát hạch đối với các giáo viên thuộc diện công chức và giáo viên hợp đồng. Nếu những giáo viên nào không đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp đưa ra khỏi biên chế, với những người theo diện ký hợp đồng thì không tiếp tục ký hợp đồng. “Qua đó chúng ta sẽ tuyển dụng được những giáo viên đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc và cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại bộ máy. Đồng thời, tổ chức tuyển dụng được những người đáp ứng tốt công việc”.

Đối với những giáo viên đã công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm nhưng mỗi tháng cũng chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng tiền lương, ông Thắng nhận định: “Đó là một câu chuyện buồn, nếu không bằng nhiệt huyết, đam mê, nhiệt tình thì không ai có thể gắn với với nghề hơn 20 năm. Đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng trong giáo dục nên các Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục và đào tạo đã đề ra giáo viên phải có bảng lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương của đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên, đến nay việc này chưa làm được".

"Hỏi Hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng không ai trả lời"

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức gần đây, nhiều địa phương như Phú Thọ, Cần Thơ, Kiên Giang đều chia sẻ những khó khăn trong vấn đề sắp xếp lại hệ thống trường lớp và tinh giảm biên chế.

Đại diện tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nhu cầu học tập của học sinh ngày càng cao, tỉ lệ học sinh lên lớp kể cả mầm non, nhà trẻ ngày càng tăng. Trong khi đó, theo Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Trung ương thì từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế. Nếu thực hiện theo Nghị quyết thì tỉnh Phú Thọ phải cắt giảm trên 2.400 giáo viên. Tuy nhiên, hiện giáo viên mầm non của tỉnh vẫn còn thiếu nghiêm trọng.

“Rõ ràng là việc học tập của con em chúng ta phải đảm bảo nhưng lại không được đẩy các thầy cô ra đường. Việc tinh giảm giáo viên của Đắk Lắk, Cà Mau gây bức xúc trong dư luận. Như vậy, vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm thế nào trong khi số học sinh đầu vào tăng lên? Con đường duy nhất là chuyển từ trường công lập sang tư thục, nhưng chính sách của Nhà nước lại không rõ”, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết.

Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, trong 3 năm qua tỉnh này luôn thiếu biên chế giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. “Chúng tôi đứng trước ngưỡng không được sử dụng hợp đồng lao động nếu ở đó đã hết biên chế. Nhưng nếu không hợp đồng thì lấy giáo viên ở đâu dạy? Chúng tôi đã hỏi hội đồng nhân dân tỉnh nhưng không ai trả lời được câu hỏi đó”, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết..

Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành các quy định về kiêm nhiệm, bao gồm khối lượng công việc kiêm nhiệm, thời gian kiêm nhiệm, chế độ cho người kiêm nhiệm, yêu cầu về năng lực trình độ của người kiêm nhiệm… “Tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ quy định về khung vị trí việc làm, số người làm việc tại các phòng giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính xem lại quy định về việc giao dự toán chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục và nên giao dự toán theo định mức số người làm việc để các đơn vị tinh giảm biên chế có kinh phí để chi trả chế độ kiêm nhiệm, tăng thu nhập cho người lao động”, bà Vũ Liên Oanh nêu ý kiến.

Trước phản ánh của một số địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Nghị quyết 19 của Trung ương không yêu cầu các địa phương cắt đi 10% giáo viên, mà là chia giai đoạn từ nay đến năm 2021 cắt giảm trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tức là nếu biên chế tự chủ được về lương thì không tính là biên chế theo nghĩa truyền thống nữa. Với các trường đại học cũng như vậy, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, biên chế giáo viên đại học khi trường đã tự chủ sẽ không tính vào biên chế theo khái niệm cũ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Việc thực hiện máy móc cắt 10% giáo viên là chưa chuẩn xác. Bên cạnh đó, cắt giảm biên chế giáo viên cần chủ yếu tập trung vào biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là giáo viên vẫn phải đủ để dạy".

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xot-xa-phan-giao-vien-hop-dong.aspx