Xử chém hàng loạt quan lại đục khoét kho tàng

Tình tệ tham nhũng ở các kho tàng diễn ra ở chính các giám thủ coi giữ kho là một vấn nạn, khi bắt bồi thường thì số thu lại chẳng được bao nhiêu.

 Bản tấu ngày 19 tháng 8 năm Tự Đức thứ 27 (1874) của Bộ Hình về việc kết án bọn Chủ thủ Lê Văn Thời, Lại dịch Nguyễn Hỗ, Nguyễn Khắc Tạo, Suất đội Nguyễn Tráng, Vũ Tục đã tham ô hàng hóa trong kho tỉnh Bắc Ninh và xử phạt các viên nguyên Tổng đốc Bùi Tuấn, Phạm Chi Hương, Bố chánh Hạ Duy Trinh vì có chức trách mà kho tàng thiếu hụt nhiều vẫn không phát hiện được. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.

Bản tấu ngày 19 tháng 8 năm Tự Đức thứ 27 (1874) của Bộ Hình về việc kết án bọn Chủ thủ Lê Văn Thời, Lại dịch Nguyễn Hỗ, Nguyễn Khắc Tạo, Suất đội Nguyễn Tráng, Vũ Tục đã tham ô hàng hóa trong kho tỉnh Bắc Ninh và xử phạt các viên nguyên Tổng đốc Bùi Tuấn, Phạm Chi Hương, Bố chánh Hạ Duy Trinh vì có chức trách mà kho tàng thiếu hụt nhiều vẫn không phát hiện được. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.

Năm 1831, khi phát giác ra án Khố lại Hoàng Hữu Nhẫn làm ngắn bớt son bạc, vua Minh Mệnh ban dụ: sai Cẩm y áp giải chính phạm Hoàng Hữu Nhẫn đến cửa Vũ khố, thắt cổ cho chết, lại chặt bàn tay treo ở trên cửa, để răn những kẻ miệt pháp và khi quân. Lại truyền họp các quan lại ở Vũ khố cho quỳ cả ở xung quanh mở mắt mà trông để cho khiếp sợ mà khỏi đến nỗi lại phạm pháp như vậy”.

Vụ án này, vua Minh Mệnh đã cho xử tội nhẹ thành nặng cốt để răn đe người sau, vậy mà lòng kẻ tham chưa biết sợ.

Nhiều kẻ bị xử tội chết

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vụ án tham ô, đục khoét kho tàng ở tỉnh Nam Định bị phát giác. Vụ án tham ô này do Phạm Văn Đăng cầm đầu xướng xuất đòi thu thuế ngoại lệ với số tiền là 7.555 quan để tiêu riêng. Châu bản triều Nguyễn cho biết: “Phạm Văn Đăng đầu xướng cùng Hoàng Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Xuân Hy, Lại dịch kho Bùi Văn Ân thu tiền ngoại lệ tổng cộng là 7555 quan . Chia cho Hoàng Văn Cẩn 325 quan, Nguyễn Hữu Lễ 300 quan, Nguyễn Xuân Hy 310 quan, Bùi Văn Ân nhận lấy 318 quan tiêu riêng”.

Vụ án này kéo dài gần 4 năm, từ cuối năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đến tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Vụ án liên quan đến nhiều lại điển, binh lính giữ kho và rất nhiều người bị xử tội chết. Trong đó, Phạm Văn Đăng bị kết án cho xử chém ngay; các viên lại dịch Bùi Văn Ân, Quản cơ Trương Sĩ xin cho giam chờ chém; bọn Hoàng Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Xuân Hy xử cho giam lại chờ treo cổ. Ngoài ra, các viên khố tử, binh đinh coi kho như Phùng Văn Sính, Phùng Văn Nghệ, Đặng Công Luyện, Ngô Duy Đỉnh, Trần Viết Bách, Đoàn Quang Thích, Đỗ Viết Dương, Nguyễn Thọ, Nguyễn Đình Lân, Nguyễn Văn Hảo, Phan Trác Đạm, Nguyễn Quang Tứ, Thái Bá Khuê... kẻ thì bị đánh gậy, bãi dịch, kẻ thì bị cách chức.

Triều vua Tự Đức, tình tệ tham ô, tham nhũng trong kho công xảy ra khá nhiều. Năm Tự Đức thứ 27 (1874) cho tra xét vụ án tham nhũng ở kho tỉnh Hưng Yên. Trong vụ án này, bọn chủ thủ Mai Bình đã giả mạo dấu ấn thanh toán khống. Khi Bộ Hình tra xét vụ án thì thấy có “các khoản sách nhiễu, khống phát, thiếu hụt, tiêu khống tiền bạc, thóc gạo, gỗ mộc”. Bản tấu dài 40 trang trong Châu bản triều nguyễn đã liệt kê “các khoản thêm bớt, tiêu khống mà viên lại ấy khai tẩy xóa bớt thuế lệ”, trong đó “Một khoản, khai bớt thuế lệ; một khoản, tẩy xóa, sửa chữa của hội đồng; một khoản, tiêu khống tiền gạo…”.

Với các tội trạng được liệt kê trong bản tấu này thì từ Chủ thủ Mai Bình đến bọn Nguyễn Vĩnh, Đào Bản, Tạ Văn Phụng, Nguyễn Huy Phan đều bị xử tội chết.

Tham ô quá nhiều

Cũng trong năm Tự Đức thứ 27 (1874) đã đưa ra xét xử vụ án tham nhũng ở kho tỉnh Bắc Ninh. Vụ tham nhũng này làm hao hụt không ít tiền bạc trong kho gồm thóc, gạo, các loại tiền kẽm, tiền đồng, ngân bài, ngân tiền, kim tiền, thậm chí cả tiền phi long, song long dùng ban thưởng. Sau khi kiểm tra thì số vật hạng trong kho bị thiếu hụt lên tới 109.185 quan tiền và 23.690 hộc phương thóc gạo. Vụ án này Chủ thủ Lê Văn Thời là chính phạm nên “chiếu theo luật giám thủ tự ăn trộm tiền gạo trong kho, số tang vật trên 1.000 lạng bạc, xử cho giam lại chờ chém”.

Đây là một vụ án tham ô số tiền bạc lớn trong kho, vì vậy các viên lại dịch Nguyễn Tráng, Vũ Tục, Nguyễn Khắc Tạo đều bị kết án cho giam lại chờ chém. Ngoài ra, từ chủ thủ Lê Văn Thời cho tới các viên liên quan và các viên Đội trưởng, Thư lại, binh lính coi kho đều phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thiếu hụt trong kho.

Không chỉ xử tội bọn chủ thủ, lại dịch và bắt binh lính coi kho bồi thường, mà cả các quan tỉnh Bắc Ninh đều bị liên đới. Bộ Hình kết án: “nguyên Bố chánh Hạ Duy Trinh, Phạm Thận Duật, nguyên Tổng đốc Bùi Tuấn đều có trách nhiệm quản lý mà kho tàng thiếu hụt số lượng nhiều như vậy cũng không phát hiện ra đều giáng 4 cấp điều bổ nơi khác. Nguyên Tổng đốc Phạm Chi Hương giáng 3 cấp lưu nhiệm”.

Năm Tự Đức 28 (1875), vụ án tham nhũng ở kho Giáp tứ thuộc Vũ khố cũng bị phát giác. Vụ án này có sự thông đồng, câu kết chặt chẽ nên đã lấy trộm được số lượng hàng hóa lớn trong kho, tang vật nhiều tới hơn 13.400 quan, nhiều người bị kết án xử chém.

Nội dung bản tấu ngày 3 tháng 3 năm Tự Đức 28 (1875) của Nội các cho biết: “bọn Chủ thủ Nguyễn Hữu Bích dám thông đồng lấy trộm hàng hóa trong kho, tang vật nhiều tới hơn 13.400 quan, thật quá gian tham. Bọn tùy biện thanh tra Hoàng Đức Phổ, Lê Đăng Tuyển lại dám tư lợi nhận của đút mà không chỉ trích ra. Tuy là không nhận bạc, lụa hối lộ nhưng đã cùng nhận tiền văn đưa tặng (mỗi tên 40 quan) thì việc thông đồng làm gian dối không hỏi cũng có thể biết”.

Sau khi điều tra xét xử thì các viên chủ thủ, lại dịch ở kho này đã thừa nhận hành vi tham ô. Sử liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết: “Bản án kê khai tang vật của Chủ thủ kho ấy là Chủ sự Nguyễn Hữu Bích, Cửu phẩm Thư lại Nguyễn Trị, Phan Thọ Khải, Vị nhập lưu Thư lại Nguyễn Văn Liễn, Nguyễn Khai Trường, Nguyễn Xuân Ngữ, Trần Hữu Điều, Phạm Thành Doãn, Hoàng Văn Trung trị giá thành tiền tổng cộng là 13.481 quan 6 mạch 58 văn, khấu thành 1685 lạng bạc. Chiếu luật "giám thủ tự đạo" đều xử giam chờ chém. Bọn tùy biện thanh tra Bát phẩm Hoàng Đức Phổ, Lê Đăng Tuyển theo lệ đều xử giam chờ chém…Các loại đồ vật thiếu mất này xin bắt bọn Nguyễn Hữu Bích phân chia bắt bồi thường (mỗi tên là 1497 quan 9 mạch 39 văn 8 phân)…”. Riêng bọn giám lâm không phát giác ra như “Vũ Tất Tố và Hà Văn Ninh truyền đều xử cách chức cho về làm dân. Hà Văn Ninh phát giao về quân thứ Bắc Ninh hiệu lực chuộc tội”.

Tình tệ tham nhũng ở các kho tàng diễn ra ở chính các giám thủ coi giữ kho là một vấn nạn dưới triều Nguyễn, khi việc phát giác bắt bồi thường thì số thu lại chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, vua Tự Đức đã giao Bộ Hình nghị bàn nhằm ngăn chặn tình trạng này: “Xưa nay các án xử bồi thường tang vật thì hàng hóa tham ô quá nhiều, tới khi thu lại chẳng được bao nhiêu, phần nhiều được ân xá, tha miễn. Truyền giao cho bộ ấy nghị bàn sao cho được đủ số lượng khiến người ta không dám phạm tội”.

Minh Châu - Thu Hường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/xu-chem-hang-loat-quan-lai-duc-khoet-kho-tang-d277632.html