Xử đưa hối lộ mà không có người nhận, đã ổn?

Các bị cáo mua bán logo 'xe vua' khai chi tiết việc đưa hối lộ cho 80 cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhưng cơ quan điều tra không xử lý được các cán bộ này vì không có chứng cứ khác. Liệu chỉ xử đưa, môi giới hối lộ mà không có người nhận đã hợp lý?

Ngày 19 và 20-4, TAND TP.HCM dự kiến xử sơ thẩm nhóm mua bán logo “xe vua”. 9/10 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ, riêng một cựu cán bộ Đội 1 Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đồng Nai bị truy tố về tội môi giới hối lộ.

Trong vụ án, nhóm bán logo “xe vua” khai đã hối lộ cho 62 CSGT và 18 thanh tra giao thông (TTGT) trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cả gần chục tỉ đồng. Các bị cáo khai rất chi tiết đưa hối lộ bao nhiêu lần, đưa thế nào, môi giới ra sao… Họ cũng khai địa chỉ người nhận hối lộ, số tiền mỗi lần đưa...

CQĐT đã triệu tập 62 CSGT và 18 TTGT đến làm việc nhưng họ đều phủ nhận. Theo CQĐT, việc bán logo “xe vua” thu tiền rồi đưa hối lộ cho một số cán bộ chức năng để không xử phạt xe quá tải là có thật. Nhưng ngoài lời khai của các bị can, không có tài liệu, chứng cứ khác chứng minh CSGT, TTGT đã nhận hối lộ nên không có cơ sở khởi tố họ.

Thẩm phán: Luật cho phép

Một thẩm phán chuyên xử hình sự ở TP.HCM cho biết cả về mặt quy định lẫn thực tiễn thì một vụ án chỉ xử lý người đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà không thể xử lý người nhận hối lộ cũng không có gì sai. Bởi quy định của BLHS trước và sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn tách biệt các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ. Mặt khác, với nhóm tội này, các cơ quan tố tụng chứng minh được tội phạm đến đâu thì xử đến đó nhằm tránh làm oan hay xử ép nghi can.

Cũng theo vị thẩm phán này, hiện nội hàm của tội đưa hối lộ, nhận hối lộ nói riêng và một số tội danh theo BLHS 2015 đã có sự thay đổi.

Cụ thể, với tội đưa hối lộ (Điều 364), biểu hiện của hành vi rất đa dạng. Có trường hợp người phạm tội trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ. Có trường hợp qua trung gian (người môi giới) để đưa hối lộ cho người nhận hối lộ. Có trường hợp người đưa hối lộ dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, không trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ, cũng không qua trung gian mà tìm cách mua chuộc những người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn…

Nhóm mua bán logo “xe vua” khi làm việc tại cơ quan điều tra. Ảnh: HY

Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ (không phụ thuộc vào người có chức vụ, quyền hạn đồng ý hay không). Trường hợp người đưa hối lộ mới chỉ yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn mà chưa đưa tiền, tài sản cụ thể thì tội phạm chỉ hoàn thành khi người có chức vụ, quyền hạn đồng ý nhận của hối lộ đó. Trường hợp người đưa hối lộ nhầm tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của mình nhưng trên thực tế người đó không có thẩm quyền thì người đưa hối lộ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (phạm tội chưa đạt). Như vậy tội đưa hối lộ, người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý và không cần xác định điểm cuối - người nhận thì vẫn xử lý được.

Luật sư: không xử lý được người nhận hối lộ là không triệt để

Dù pháp luật hình sự cho phép xử lý những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ dù không chứng minh được người nhận hối lộ nhưng nhiều bạn đọc vẫn thắc mắc liệu điều này có hợp lý?

Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) và luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều nhận xét trên thực tế rất nhiều vụ án cơ quan tố tụng chỉ xử lý hình sự người khai là trung gian môi giới hối lộ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi không làm rõ được người nhận hối lộ. Một vụ án có kết quả chỉ truy tố người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ mà không xử lý được người nhận hối lộ là không triệt để, không toàn diện vì chỉ mới làm rõ được một nửa sự thật, nhất là khi các bị cáo đã khai báo rất chi tiết.

Theo hai luật sư, đối với tội nhận hối lộ, nếu cơ quan tố tụng quyết tâm làm đến nơi đến chốn thì sẽ xử lý được người nhận hối lộ. Từ đó hai luật sư đề xuất nên có cơ quan giám sát hoạt động điều tra trong những vụ án như thế này để tránh khả năng có thể bỏ lọt tội phạm và người phạm tội nhận hối lộ.

Một số vụ tương tự

- Năm 2016, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Phạm Duy Định năm năm tù về tội đưa hối lộ, Đào Minh Nguyệt năm năm tù về tội làm môi giới hối lộ, Trần Tiến Hưng 30 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, em gái của Định bị tạm giữ vì đánh bạc. Định nhờ Nguyệt tìm người lo cho em được thả ra. Nguyệt nhờ Hưng (cựu kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội) giúp. Đoán hành vi của em Định ít nghiêm trọng, sau chín ngày bị tạm giữ sẽ được thả nên Hưng nảy sinh ý định lừa đảo. Sau khi nhận 170 triệu đồng từ Định, Hưng không liên hệ với ai, bỏ túi toàn bộ. Chưa dừng lại, Hưng gợi ý Định đưa thêm tiền để “chạy” cho em chỉ bị xử lý hành chính.

Sau đó, thấy em được hủy bỏ tạm giữ, Định đưa Nguyệt 20 triệu đồng để cám ơn Hưng. Tuy nhiên, khi biết em được thả là do chính sách khoan hồng của pháp luật, không phải do Hưng tác động, Định đã đến công an tố giác. Tháng 11-2014, Định gọi điện thoại nói muốn nhờ Hưng lo cho em chỉ bị xử lý hành chính. Khi việc giao dịch 140 triệu đồng và 500 USD giữa hai người đang diễn ra thì công an bắt quả tang.

- Năm 2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án Lê Nguyễn Thanh Giang 13 năm tù về tội đưa hối lộ; Nguyễn Văn Long 10 năm tù, Nguyễn Trọng Hoàng bảy năm tù, Phạm Tú Anh ba năm tù về tội làm môi giới hối lộ.

Theo hồ sơ, tháng 7-2009, Khổng Thị Quyết mở quầy bán vé số ở TP Biên Hòa và ghi số đề thuê cho Giang để hưởng hoa hồng. Chiều 24-7-2009, Quyết ghi đề cho khách thì bị Công an phường Hố Nai bắt quả tang, chuyển giao cho Công an TP Biên Hòa. Giang sợ Quyết khai ra mình nên nhờ cậu là Hoàng tìm cách lo lót để không bị xử hình sự.

Hoàng biết Long quen một số cán bộ Công an TP Biên Hòa nên nhờ Long giúp. Long ngại nhận tiền vì giữa Long và gia đình Hoàng có mối quan hệ thân tình nên từ chối rồi gọi cho Tú Anh nhờ lo giúp. Tú Anh sợ không làm, Long liền nói chỉ đứng ra nhận tiền từ Hoàng, còn Long sẽ lo mọi chuyện.

Long khai sau khi thống nhất, Long gọi điện thoại cho vợ trưởng Công an TP Biên Hòa thời điểm đó nhờ giúp. Bà này đồng ý với giá là 100 triệu đồng… Chiều 25-7-2009, Quyết được thả nên ngay tối đó Giang mang 100 triệu đồng đến đưa Tú Anh. Tú Anh đưa lại cho Long.

Tại CQĐT, Long khai đã đưa 100 triệu đồng cho vợ trưởng Công an TP Biên Hòa để “chạy án” nhưng bà này khai không quen, không lấy 100 triệu đồng từ Long nên cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở buộc tội...

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/xu-dua-hoi-lo-ma-khong-co-nguoi-nhan-da-on-765462.html