Xứ Hàn có gì lạ?

Một ngày đẹp trời, tôi nhận được thư mời của Ha-Jea Hong, một dịch giả nổi tiếng, đã dịch một loạt tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc như: 'Chí Phèo' của Nam Cao, 'Nỗi buồn chiến tranh' của Bảo Ninh, 'Cánh đồng bất tận' của Nguyễn Ngọc Tư… tham dự chương trình hội thảo 'Văn học viết về hòa bình' giữa các nhà văn Việt Nam và nhà văn Hàn Quốc tại Gyeongju, Hàn Quốc.

Gyeongju là kinh đô của nước Silla xưa tại bán đảo Triều Tiên, ở đó có một nhà tưởng niệm Dongni - Mogwol. Dongni là tên nhà văn, Mogwol là tên nhà thơ xuất thân từ Gyeongju.

Ngày 1-10, đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm trưởng đoàn lên máy bay đi Hàn Quốc dự hội thảo. Ước chừng thời điểm hiện tại có khoảng 200.000 người Việt Nam sinh sống và học tập tại Hàn Quốc; cũng có khoảng chừng đó người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chỉ có điều, 200.000 người Việt Nam tại xứ Hàn thì phần lớn là người lao động làm thuê, còn 200.000 người Hàn Quốc tại Việt Nam thì phần đông là làm ông chủ.

Ngày thứ nhất

Ngày đầu tiên ở xứ Hàn, chúng tôi được đi tham quan thành phố Gyeongju. Điều trùng hợp ngẫu nhiên, đoàn nhà văn Việt Nam sang Hàn Quốc đúng vào dịp Quốc khánh của bạn nên chúng tôi đã được tham dự các lễ hội trong thành phố. Chúng tôi được đưa đến một công viên không lớn lắm, sát với một đồng lúa chín vàng. Công viên không nhiều cây nhưng cỏ thì xanh mướt. Có một gò đất như một quả đồi con con, tròn thoai thoải cả bốn phía, cỏ trên đồi xanh mướt và đều tăm tắp.

Nắng chiều xiên qua vòm cây. Thì ra đó chính là lăng vua xứ Hàn. Hỏi sao không lạ chứ? Trong trí tưởng tượng của chúng tôi, lăng tẩm đền đài luôn phải lộng lẫy xa hoa. Tại sao lăng vua trên đất này giản dị đến vậy, chỉ có đất và đất thôi sao?

Nhưng là đất rồi thì trường cửu mãi mãi, đã là đất rồi thì có bao giờ bị sụp đổ và bị phá hủy như những đền đài lăng tẩm? Đã là đất rồi thì có bao giờ phải trùng tu? Đã là đất rồi thì sẽ không bao giờ phải sợ khi phải về với đất nữa…

Các nhà văn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Phó thị trưởng thành phố Gyeongju.

Chúng tôi xin cúi đầu ngưỡng mộ các vị vua ở đất này, thực là một lòng nghĩ đến hậu thế, để cho tất cả mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo mà cùng đến đây thăm lăng vua và thưởng thức một không khí thân ái nhất bên những cành cây, ngọn cỏ…

Ánh chiều đã sắp khuất sau rặng núi xiên những tia nắng ấm áp qua hoa lau bên bờ ruộng lúa, hoa xuyến chi cũng đang xòe những cánh trắng rực rỡ cuối thu..

Ngày thứ hai

Buổi sáng càng rực rỡ hơn khi dịch giả Ha-Jea Hong đưa cho tôi cuốn tạp chí in tác phẩm "I am Đàn bà" được dịch sang tiếng Hàn, người dịch chính là Ha-Jea Hong, trong đó có phong bì bản quyền tác giả. Sau đó đoàn nhà văn đi thăm Phật quốc tự. Ngày nghỉ lễ nên khá đông người đến thăm chùa. Chùa ở đây không có ông Thiện và ông Ác mà có bốn ông: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Dưới chân bốn ông kẹp bốn con quỷ, với ý nghĩa rằng, người xấu sẽ không đi qua được đây. Trong Phật quốc tự có nhiều bảo vật quốc gia được đánh theo số. Một trong số bảo vật quốc gia là một tháp nhỏ bằng đá, trong đó đặt xá lợi của một vị sư.

Khi chiến tranh, Hàn Quốc bị Nhật chiếm đóng, người Nhật đã mang bảo vật này về Nhật. Kết thúc chiến tranh, Hàn Quốc đã đàm phán để đòi lại. Các sư đang hành lễ bên trong, người đến lễ chỉ thành tâm đứng phía ngoài chắp tay niệm phật. Tịnh không có một ai cầm tiền ấn vào tay Phật hay đặt lên ban thờ như ở ta. Nhưng chùa ở đây vẫn có các bàn để phúng tiền công đức.

Sau khi thăm chùa, đoàn đến thăm Nhà lưu niệm Dongni - Mogwol. Ở Hàn Quốc có 80 hội lưu niệm các nhà văn, nhà thơ, Hội Lưu niệm Dongni - Mogwol là lớn nhất. Hàng năm, Hội đồng Hội Lưu niệm Dongni - Mogwol sẽ tìm ra một tác phẩm văn chương để trao giải, giá trị giải thưởng lên đến 63.000 USD.

Giám đốc Nhà lưu niệm Dongni -Mogwol là nhà thơ Joo Han-tea, ông tặng chúng tôi cuốn thơ ông vừa xuất bản. Ông cũng đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ của ông. Chúng tôi uống trà, ăn bánh ngọt và trò chuyện. Một cảm giác ấm cúng và thân thuộc như trong ngôi nhà của mình. Sau đó chúng tôi vào phòng chiếu phim để xem hai bộ phim tài liệu về cuộc đời của nhà văn Dongni và nhà thơ Mogwol.

Trong cùng khuôn viên với Nhà lưu niệm, chúng tôi được đi thăm nhà tưởng niệm 10 người đàn ông nổi tiếng đã mang tôn giáo và văn hóa đến cho nền văn hóa Silla rực rỡ. Ngay bên cạnh là nhà bảo tàng nhỏ về lịch sử của Silla, trong đó có 155 vị vua đã có công xây dựng và phát trển nước Silla. Gyeongju là kinh đô của nước Silla, người ta gọi đây là thủ đô của những lăng vua.

Có cả thảy 155 lăng vua, trong đó có một lăng vua được táng dưới đáy đại dương. Trên thế giới, khi khai quật những ngôi mộ vua, người ta tìm được 9 vương miện của vua được táng theo thì riêng Gyeongju tìm được 6 vương miện. Những ngôi mộ vua đã thành những công viên nhỏ với thảm cỏ xanh mướt và cây cối tốt tươi. Những công viên nhỏ ghép thành một công viên lớn, đi trong thành phố Gyeongju bạn sẽ có cảm giác như đang đi trong công viên vậy.

Buổi chiều chúng tôi đi thăm hang động Seokguram, trong đó đặt một pho tượng Phật lớn. Truyền thuyết kể lại rằng, có một vị tể tướng đã xây hang động và pho tượng Phật này để tưởng nhớ cha mẹ kiếp sau của ngài. Khi ngài được sinh ra thì trong lòng bàn tay của ngài đã viết cái tên ở kiếp trước.

Ngày hôm đó, đoàn chúng tôi tiếp tục tham gia Lễ khai mạc của Lễ hội văn hóa Silla. Đoàn nhà văn Việt Nam được giới thiệu trân trọng và ra sân khấu chào khán giả trước khi đi xuống hàng ghế dành cho đoàn để chiêm ngưỡng các tiết mục diễn ra trong lễ hội.

Buổi tối, chúng tôi có bữa tiệc cùng nhà văn Bang Hyun-suk - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Chung Ang và những người bạn. Ông từng là Hội trưởng Hội Những nhà văn trẻ Hàn Quốc muốn tìm hiểu Việt Nam. Chúng tôi đã gặp gỡ và có một chuyến trải nghiệm thăm Hàn Quốc thật tuyệt vời vào mùa hè năm 2004. Chính nhà văn Bang Hyun-suk thiết kế cho đoàn chuyến đi lí thú ấy.

Buổi liên hoan ấn tượng hơn khi nhà thơ Kim Tea-soo từng là một người lính đánh thuê ở miền Nam Việt Nam trước đây, hiện ông là thành viên Ban cố vấn kiêm Giám đốc của Hội Nhà văn Hàn Quốc, Hội trưởng Hội Nhà văn Usan. Ông đọc bài thơ "Thư mùa đông" của nhà thơ Hữu Thỉnh và liền đó, đọc bài thơ "đáp" lại khiến chúng tôi rất ấn tượng:

"...Chúng tôi mấp máy môi nói một lời nông cạn.

Vẫn biết là vô liêm sỉ khi cầu xin sự giải hòa.

Những chiến sỹ của anh đã chết không nhắm mắt nơi chiến trường kinh hoàng ấy"…

Ngày thứ ba

Là ngày hội thảo chính thức. Đích thân Thị trưởng thành phố đến dự. Các tham luận đã được in đầy đủ trong kỷ yếu bằng tiếng Việt và tiếng Hàn. Kết thúc bài tham luận của mình, tôi nói: "Có một nhà văn Nga đã viết cuốn tiểu thuyết với tên gọi "Chiến tranh mang gương mặt đàn bà". Cuộc chiến tranh ở Việt Nam mang gương mặt trẻ con. Đó là một thần đồng thơ, anh ấy đang có mặt trong khán phòng này. Tôi sẽ hát cho các bạn nghe bài hát "Hạt gạo làng ta" của anh ấy".

Sau khi tôi hát, có một nhà thơ nhờ phiên dịch để nói với tôi rằng: "Khi bà hát bài "Hạt gạo làng ta", có một nhà thơ nữ đã khóc nức nở. Bà có muốn để chị ấy gặp bà không?". Tôi gật đầu đồng ý. Chị nhà thơ đã đến và nói với tôi: "Tôi đã sang Việt Nam và đã biết về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tôi rất xúc động về bài hát".

Ngày thứ tư

Thời tiết không còn đẹp nữa, bầu trời đen thẫm, mưa nặng hạt. Nơi khác có bão và Gyeongju bị ảnh hưởng. Chúng tôi bì bõm trong mưa cùng dòng người đổ vào bảo tàng ở Gyeongju để tham quan. Rất đông các em học sinh đủ mọi lứa tuổi cùng đi thăm bảo tàng. Bảo tàng không mất vé vì họ có đủ tiền trang trải nên không phải thu phí người tham quan. Học sinh đi tham quan có giáo viên đi kèm. Các em được học theo chuyên đề và phải nộp bài thu hoạch cho giáo viên ngay tại bảo tàng. Điều này khiến chúng phải chăm chú nghe thuyết minh và xem cẩn thận các hiện vật.

Lại một ý nghĩ lóe trong đầu, tại sao ở ta không học cách này từ các nước? Những bảo tàng trăm tỷ, ngàn tỷ nằm đắp chiếu vì không có khách tham quan? Trong khi chúng ta có gần 20 triệu học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên của ngành giáo dục. Hàng năm tất cả các trường từ tiểu học trở lên đều phải có chương trình tham quan dã ngoại. Trong khi các điểm dã ngoại khá nghèo nàn, và chủ yếu là đi tham quan chứ không phải đi để học những bài học lịch sử của dân tộc. Tại sao ta không có các tiết học trong bảo tàng? Đó là một sự lãng phí chồng lãng phí…

Những ngày ở Hàn Quốc còn nhiều điều thú vị… Trên đây chỉ là một lát cắt nhỏ với hy vọng những ghi chép của tôi chia sẻ cùng với độc giả về chuyến đi ý nghĩa của đoàn nhà văn Việt Nam sang Hàn Quốc tham dự hội thảo "Văn học viết về Hòa bình".

Y Ban

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/xu-han-co-gi-la-520972/