Xứ hò khoan

Ở đó, hò khoan như cơm ăn, áo mặc, nó không thể thiếu được giữa cánh đồng cò bay thẳng cánh.

Ai từng nghe bài Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ thấm đẫm tâm hồn bởi điệu hò khoan mà người nhạc sĩ tài ba đưa vào ca từ bài hát. Xứ hò khoan Quảng Bình bao năm vẫn vọng lên điệu hò ấy nhưng nơi chốn điệu hò sống động, mạnh mẽ nhất trong lòng mọi người từ già đến trẻ thì chỉ một nơi: huyện Lệ Thủy.

Không biết chữ vẫn thuộc làu hò khoan

Vừa đến cổng nhà của bà cụ Đỗ Thị Hồng Minh (Liên Thủy, Lệ Thủy) đã nghe tiếng phách, tiếng nhịp, tiếng hát hò khoan vọng lên từ sau hè. Cụ Minh đang hát lối một mình. Giọng cụ vẫn bay cao với những câu hát đã thuộc lòng từ thời còn tấm bé. Người nhà cụ bảo, hễ ngày nào không hát hò khoan thì hình như cụ không thể làm được gì, sáng sớm phải hát, chiều hôm phải hát. Hò khoan với cụ Minh là hồn điệu của ngày xưa còn lại để cụ yêu thêm cuộc sống hôm nay.

Mời khách vào nhà, cụ Minh nói: “Tôi năm nay đã 73 tuổi rồi, hát không hay nhưng mà vẫn hò khoan. Có khi hò một chắc (một mình), có khi hò với bạn bè chòm xóm các cụ, có khi mệt quá thì mở mấy cái băng thu giọng hò của tui ra để nghe. Chừ mấy đứa con đi xa, có mua cho cái điện thoại để tôi vừa hát vừa thâu vào máy, khi mệt thì mở ra nghe cho đỡ nhớ điệu hò cha ông để lại”.

Bên bờ Kiến Giang, nhiều điệu hò khoan nổi tiếng đã ra đời và được hát vang trong từng thôn xóm.

Bên bờ Kiến Giang, nhiều điệu hò khoan nổi tiếng đã ra đời và được hát vang trong từng thôn xóm.

Cụ Minh kể thêm: “Tui không biết chữ, chỉ biết hát thôi nhưng điệu mô cũng biết, bài chi cũng nhớ, nhớ từ nhỏ tuổi tới chừ”. Cuộc đời cụ gắn bó với điệu hò khoan từ khi mới 12 tuổi. Lúc đó, cụ còn nhớ không có máy xay xát lúa như bây giờ nên cứ đến tối là người làng mang cối ra giã gạo ở các xóm đình hoặc ở chỗ cây đa lớn. Sau những tiếng giã gạo thình thịch là tiếng hò xố lên, hò khoan vang ngân, hò hụi vọng về. Đang nằm ngủ, cô bé 12 tuổi thức dậy trốn nhà đi về phía những cối gạo đêm trăng. Từ một cô bé dự thính, không biết chữ, nghe vài bữa, Đỗ Thị Hồng Minh đã thuộc làu ca từ. Không lâu sau, Hồng Minh đã nức tiếng cả vùng. Những người giã gạo đêm bên dòng Kiến Giang ai cũng muốn nghe chất giọng mượt mà của cô.

Cụ hát mấy chục năm trong cuộc đời, hát từ đồng lúa qua làng quê, hát từ trong bom đạn chiến tranh đến ngày tháng thời bình. Càng có tuổi, người làng càng đánh giá giọng hò của cụ đặc sệt nét riêng miền lúa nước xứ Lệ Thủy, không ai sánh bằng điệu hò có một không hai này. Hôm chúng tôi đến, cụ hát: “Thiếp xa chàng đêm mơ ngày tưởng/ Như ngọn gió nồm vất vưởng mùng vi/ Vì ai con hạc nọ lại phải xa quy/ Thôi em vuốt lá gan chịu chữ, từ bi cho thấu trời”.

Xong một bài, cụ nói để mệ hát nữa cho nghe: “Đã xa nhau thì xa cho mất/ Đã gần thì cho thành thất thành gia/ Đừng như con bướm nọ với hoa/ Lâu lâu đáo tới, dạ ta thêm buồn”; “Cá xa sông cá còn nhớ nước/ Vượn xa cành nhớ lúc leo cây/ Không biết vì sao mà phải chia tay/ Nhớ câu ơn nặng, nghĩa dày thuở xưa”.

Không chỉ hát hò cho vui, trong trí nhớ của cụ Minh là cả một kho tàng hò khoan độc đáo. Cụ luyến láy âm điệu khi ngân vang khi trầm giọng, khi xướng khi nói, khi đáp khi vần câu về các mộng đẹp ngày xưa rất thú vị. Không ai dạy cụ, chỉ là nó trôi chảy trong tâm hồn cụ như nước Kiến Giang tắm mát tuổi thơ. Cụ nhớ hàng ngàn câu hò khoan từ lao động sản xuất đến tình cảm yêu nước, từ thương nhớ bản quán đến hò hẹn đêm trăng của các đôi tình tứ xưa. Nếu Lệ Thủy có cánh đồng cò bay thẳng cánh, thì điệu hò của cụ Minh bát ngát như ruộng lúa ở thì con gái.

Hò khoan vào trường học

Các nhà nghiên cứu hò khoan từng có thời lo lắng điệu hò mộc mạc mà vi diệu này sẽ mất dần sau lũy tre làng. Thế nhưng gần đây, điệu hò này đã được đưa vào chương trình học của các trường ở huyện Lệ Thủy.

Cụ Minh tuổi đã cao nhưng vẫn mê đắm với điệu hò khoan mộc mạc. Ảnh: MINH QUÊ

Lệ Thủy có lẽ là nơi duy nhất cả nước đưa làn điệu hò khoan vào trường học, là huyện lỵ duy nhất học hát hò khoan từ đồng bằng lên trung du, đến miền biển. Ông Hoàng Đại Hữu, nhà địa phương học ở Lệ Thủy, cho biết: “Hát hò khoan là đặc điểm chung của người Quảng Bình, nay có thêm khái niệm mới là: Hò khoan Lệ Thủy”. Bởi lẽ, hò khoan được phổ cập tại các trường học từ mầm non đến bậc tiểu học của quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn khỏe mạnh, ông hay trở về thăm quê và cùng bắt nhịp hò khoan ngay tại căn nhà mà ông đã sinh ra và lớn lên.

Ở Lệ Thủy, các em nhỏ từ mầm non đến tiểu học được gieo vào lòng những ca từ hò khoan mềm mại. Trang sách trắng của các cháu dần dà đầy đặn thêm những bản hò khoan về nhân cách làm người, chỉ dẫn những cách khéo léo đối ứng với thiên nhiên khắc nghiệt đầy bão lụt và gió nắng. Trong hò khoan, có cả một kho tàng chỉ dẫn các kiểu cách ứng xử với thế giới xung quanh. Nó có thể trở thành vốn quý để những cư dân sông nước Lệ Thủy chọn làm cẩm nang nhân cách cho cuộc đời.

Không chỉ có mặt trong trường học, hò khoan còn trở thành cuộc thi của các trường vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 mỗi năm của toàn huyện. Mặt khác, nó còn được tạo cảm hứng sống bởi những nghệ nhân dân gian trong từng thôn xóm. Ông Hoàng Đại Hữu cho biết: “Các xã như Liên Thủy, Xuân Thủy, Lộc Thủy, thị trấn Kiến Giang, Phong Thủy... xã nào cũng có một vài đội hò khoan dân gian. Họ nuôi sống điệu hát bằng chính tâm hồn những người mến mộ. Từ những hạt lúa, củ khoai sau mùa thu hoạch, bà con đóng góp mỗi người một ít để mua sắm đàn, trống, dàn âm thanh cho đội hát của làng, của xóm”.

Hò khoan đi Tây

Trong cuốn Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam của GS Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo có viết về hò khoan Lệ Thủy: “Đây là một điệu hò có mặt khắp nơi trong sinh hoạt của nhân dân như khi đi đốn củi, đánh cá, khi gặt hái, cấy bừa, đưa đò, cất nhà, lùa trâu, đi nơm, xay lúa, giã gạo, ru em v.v...”.

Về Lệ Thủy, chúng tôi được diện kiến “kỳ nhân” hò khoan Võ Như May. Mới ngoài 50 tuổi nhưng anh May được ví như kỳ nhân của điệu hò này. Anh là người sáng tác rất nhiều điệu hò khoan mới, nhiều nhất ở xứ sở này. Anh May kể: “Tui sáng tác hò khoan từ trước năm 1975, sau này giải ngũ về càng sáng tác nhiều hơn nữa. Đó là máu thịt, là nguồn cội. Bến nước Kiến Giang và ánh trăng trên trời soi tỏ đã cho tôi có cảm hứng với điệu hò quê hương”. Cho đến nay, danh sách những bản hò khoan kết hợp lời cổ với lời mới của Võ Như May đã lên đến hàng trăm bài và nó được đưa ra hát ở hầu khắp các đơn vị xã, huyện ở Lệ Thủy.

Xuất thân từ làng quê Lệ Thủy, chị Nguyễn Thị Phong Thủy khi tham gia đoàn Nghệ thuật cung đình Huế đã mang các ca từ diễn xướng này đến các rạp diễn ở châu Âu như Pháp, Bỉ, Hungary... và được đón nhận nhiệt tình.

Hò khoan với người Lệ Thủy như bức tranh phản ánh tấm gương của họ từ mấy trăm năm trước cho đến ngày nay một cách bền bỉ. Và ai đến xứ sở Quảng Bình, hay bất cứ ở đâu hễ mỗi lần nghe bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” cất lên sẽ đều nhẩm hát trong lòng điệu từ: “Khoan khoan hò khoan”. Đó có lẽ là một bài tình ca được hát nhiều nhất từ ngày nó ra đời cho đến hôm nay chính nhờ dòng mạch cảm hứng “hò khoan” ấy.

MINH QUÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/plo/xu-ho-khoan-351143.html