Xu hướng đấu thầu quốc tế được các nước nhập khẩu gạo ưu tiên lựa chọn

Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, đấu thầu quốc tế đang là xu hướng được các nước nhập khẩu gạo ưu tiên lựa chọn.

Nhằm giúp doanh nghiệp nhận diện tình hình thị trường, những thuận lợi cũng như khó khăn và thách thức về sản xuất và thương mại lúa gạo trong giai đoạn mới, chiều nay (2/11) tại Cần Thơ, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo "Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới".

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới.

Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam, nhất là tại khu vực ĐBSCL có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Tuy nhiên thời gian gần đây, không ít rào cản, nhất là hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện, tác động không nhỏ tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group cho rằng: Hoạt động thương mại gạo đang diễn biến theo một xu hướng mới, các hợp đồng Chính phủ dần ít đi và thay vào đó là các hợp đồng thương mại, xu hướng đấu thầu quốc tế được các nước nhập khẩu gạo ưu tiên lựa chọn. Xuất khẩu gạo chuyển từ khối lượng sang chất lượng.

"Hầu hết các doanh nghiệp thực thi theo các hợp đồng Chính phủ. Cho nên nếu các hợp đồng Chính phủ có hiệu quả cao thì doanh nghiệp hoạt động tốt và ngược lại, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tham gia vào việc đấu thầu các hợp đồng Chính phủ thì các doanh nghiệp có một nhược điểm là không giỏi về mở rộng thị trường, làm cho chúng ta chỉ hy vọng qua các hợp đồng Chính phủ. Đây là điều rất bất lợi", ông Nam cho hay./.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/xu-huong-dau-thau-quoc-te-duoc-cac-nuoc-nhap-khau-gao-uu-tien-lua-chon-833714.vov