Váy cưới sang trang

Các cô dâu Gen Z giờ đây không cần dành hàng giờ cùng đội ngũ hùng hậu để tìm ra mẫu váy cưới hoàn hảo có giá cao ngất ngưởng, theo CNN.

Lấy cảm hứng từ thế hệ Z và Millennials, những người tiên phong phá vỡ truyền thống ngột ngạt và ghi dấu khoảnh khắc trọng đại của cuộc đời - bao gồm đám cưới - theo cách riêng, một loạt thương hiệu thời trang Mỹ có giá cả phải chăng đã "nhảy" vào ngành công nghiệp đám cưới để chiều lòng khách hàng mua sắm tiết kiệm.

Sự chuyển dịch tất yếu

Nhãn hiệu được thanh thiếu niên yêu thích là Abercrombie & Fitch đã có cuộc "chuyển mình" quan trọng khi từ bỏ chiến lược tiếp thị tình dục hóa công khai trước đây để chuyển sang kinh doanh quần áo theo xu hướng, phù hợp với lứa tuổi và được phụ huynh chấp thuận. Hiện tại, Abercrombie & Fitch đang mở rộng "vùng phủ sóng" đối với trang phục cô dâu.

Tháng 3, nhà bán lẻ này đã ra mắt bộ sưu tập A&F Wedding Shop với hơn 100 món đồ dành cho cô dâu, khách quý trong khuôn khổ tiệc cưới và các sự kiện liên quan. Váy, bikini cho đến đồ ngủ đều có giá 80-150 USD.

“Khách hàng của chúng tôi tin rằng những ngày cuối tuần kéo dài rất quan trọng. Nhiều người dự tính tận dụng ngày nghỉ ấy để tổ chức đám cưới hay các sự kiện trước và sau đám cưới. Và bộ sưu tập của chúng tôi có thể giải đáp thắc mắc quan trọng là mọi người nên mặc trang phục gì trong các sự kiện", Carey Collins Krug, giám đốc marketing của Abercrombie & Fitch Co., bày tỏ.

 Gen Z đến tuổi kết hôn mong muốn kể câu chuyện đám cưới theo cách riêng và sẵn sàng từ bỏ một số truyền thống lỗi thời. Ảnh minh họa: Pexels.

Gen Z đến tuổi kết hôn mong muốn kể câu chuyện đám cưới theo cách riêng và sẵn sàng từ bỏ một số truyền thống lỗi thời. Ảnh minh họa: Pexels.

Tương tự, vào tháng 4, thương hiệu thời trang nhanh Forever 21 tung ra bộ sưu tập trang phục cô dâu đầu tiên với mức giá cho các sản phẩm dao động 9-50 USD.

Khách hàng có thể tìm thấy đa dạng mẫu váy, đồ ngủ hay phụ kiện như mũ dự tiệc có mạng che mặt. Váy midi (loại váy có chiều dài đến giữa bắp chân - PV) không dây hoặc hai dây tại đây cũng chỉ từ 24-27 USD - mức giá hời so với giá váy cưới trung bình 2.000 USD vào năm ngoái.

Trong khi đó, chuỗi thời trang Lulus ở California "nổ phát súng đầu tiên" hồi tháng 2 bằng cách mở cửa hàng bán váy cưới giá 100-270 USD tại Los Angeles. Đây là cửa hàng độc lập được xây dựng dựa trên sự tham gia của Lulus cách đây 5 năm trong lĩnh vực trang phục cưới và “cho phép thương hiệu này cung cấp trải nghiệm trực tuyến ưu tiên khách hàng đối với cô dâu ngoài đời".

"Tại Lulus, cô dâu sẽ không phải thỏa hiệp với giá váy cưới đắt đỏ. Như vậy, việc sở hữu vẻ ngoài sang trọng mà không phá vỡ ngân sách đã trở thành hiện thực”, Crystal Landsem, giám đốc điều hành Lulus, nhấn mạnh.

 Thương hiệu Shein bán trang phục cô dâu có giá từ 100 USD trở xuống. Ảnh: Shein.

Thương hiệu Shein bán trang phục cô dâu có giá từ 100 USD trở xuống. Ảnh: Shein.

Forever 21, Lulus, Shein, Abercrombie và Boot Barn là một số thương hiệu nổi tiếng với áo tank top, quần short, quần jeans rách, bikini, giày cao bồi hay váy may đo lấp lánh dành riêng cho người tham dự concert của Beyoncé, Taylor Swift.

Giờ đây, các hãng bắt tay vào thiết kế trang phục cô dâu giá rẻ để tăng sức cạnh tranh trong nền công nghiệp đám cưới trị giá hơn 100 tỷ USD ở Mỹ, theo The Knot Worldwide - công ty hàng đầu thế giới về tổ chức đám cưới.

Sự chuyển dịch như vậy không phải vấn đề nan giải. "Các công ty coi trang phục cô dâu là một phần mở rộng tự nhiên trong hoạt động kinh doanh khi tên thương hiệu của họ đã xuất hiện ở nhiều danh mục sản phẩm", Janine Stichter, giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích của hãng dịch vụ tài chính BTIG, cho biết.

Chưa kể, tệp khách hàng chính của họ có thể là Gen Z và Millennials nằm trong độ tuổi kết hôn phù hợp nên việc phát triển các mặt hàng liên quan hoàn toàn dễ hiểu, miễn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của thương hiệu, bà Stichter bổ sung.

Đồng quan điểm, Allyson Rees - chiến lược gia cấp cao tại công ty phân tích và dự báo xu hướng WGSN - nhận định đây là nước đi khôn ngoan của các hãng thời trang.

"Điều quan trọng là họ phải khai thác cách Gen Z mua sắm để đưa các bộ sưu tập trang phục cưới đến gần đối tượng này. Gen Z luôn 'online', nhưng 97% Gen Z Mỹ vẫn thích mua sắm tại cửa hàng. Đặc biệt, váy cưới và truyền thống mặc thử chúng là một nghi thức mà những người trẻ muốn trực tiếp tham gia. Vì vậy, các thương hiệu cần tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn tại cửa hàng để thúc đẩy giao lưu, tương tác", chuyên gia gợi ý.

Phá vỡ khuôn khổ

Khi Gen Z đến tuổi kết hôn và tổ chức đám cưới, họ coi trọng việc kể câu chuyện theo cách riêng và sẵn sàng từ bỏ một số truyền thống lỗi thời. Một phần của xu hướng này xuất phát từ việc người tiêu dùng trẻ nhạy cảm chi phí hơn so với thế hệ Millennials.

“Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã ảnh hưởng nhiều đến Gen Z, khiến họ bất an về tình hình tài chính cá nhân. Hơn một nửa trong số đó chi tiêu theo kiểu 'kiếm đồng nào, tiêu đồng ấy' và một phần ba đang sống với bố mẹ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngành thời trang nhanh - vốn đã chứng kiến thị phần tăng lên trong vài năm qua do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt - đang tận dụng nhu cầu về thời trang cưới hợp xu hướng, giá cả phải chăng để mở rộng hoạt động kinh doanh”, Allyson Rees lý giải.

 Gen Z "tháo chạy" khỏi những đám cưới xa hoa để tìm kiếm sự thú vị với chi phí phải chăng. Ảnh: Boot Barn.

Gen Z "tháo chạy" khỏi những đám cưới xa hoa để tìm kiếm sự thú vị với chi phí phải chăng. Ảnh: Boot Barn.

Bên cạnh đó, trang phục cô dâu hiện nay đã hiện đại hơn, nhất là muôn kiểu biến tấu của váy cưới. Váy cưới màu đen là một ví dụ được bà Rees đề cập.

“Thế hệ Z đang bắt kịp rất nhiều thứ mà Millennials đã bỏ lại. Váy cưới thời nay không nhất thiết là màu trắng và cô dâu cũng có quyền thay trang phục nhiều lần trong suốt lễ cưới. Vì vậy, đây là lĩnh vực mà các thương hiệu thời trang nhanh thực sự có thể 'lấp đầy khoảng trống'”, bà Rees kết luận.

Ra mắt năm 2012, Shein - thương hiệu thời trang nhanh trực tuyến lớn nhất thế giới - cũng không nằm ngoài xu thế kinh doanh trang phục cô dâu. Váy cưới của hãng có giá trung bình từ 50-100 USD, đắt nhất là 200 USD.

 Boot Barn ra mắt bộ sưu tập đám cưới theo chủ đề miền viễn Tây gồm váy cô dâu, giày cao bồi, mũ và phụ kiện có giá chủ yếu từ 400 USD đổ lại. Ảnh: Boot Barn.

Boot Barn ra mắt bộ sưu tập đám cưới theo chủ đề miền viễn Tây gồm váy cô dâu, giày cao bồi, mũ và phụ kiện có giá chủ yếu từ 400 USD đổ lại. Ảnh: Boot Barn.

Lisa Zlotnick, người phát ngôn của Shein, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN: “Giá cả phải chăng rất quan trọng với khách hàng Gen Z - những người thường cân bằng giữa mong muốn về phong cách thời thượng với nhu cầu về các lựa chọn không tốn kém. Khi trang phục cưới phát triển từ trang phục truyền thống, dành riêng cho từng dịp thành trang phục linh hoạt, phù hợp với nhiều sự kiện khác nhau, chúng tôi đảm bảo các sản phẩm của mình sẽ chinh phục khách hàng".

Ngay cả hãng giày cao bồi và trang phục viễn Tây Boot Barn cũng lần đầu tiên cùng các thương hiệu khác chia nhau "miếng bánh" công nghiệp cưới.

Đặc biệt là Boot Barn tận dụng chính hoạt động kinh doanh cối lõi của mình và biến chúng thành phong cách thú vị: bộ sưu tập đồ cưới theo chủ đề miền viễn Tây gồm váy cô dâu, giày cao bồi, mũ và phụ kiện có giá chủ yếu ở mức 400 USD trở xuống.

“Đã có sự gia tăng đột biến các đám cưới ở vùng nông thôn hay sân vườn sau đại dịch Covid-19, do mọi người muốn tổ chức đám cưới ngoài trời. Đây cũng là những lựa chọn phù hợp với túi tiền. Nói cách khác, các cặp đôi đang cố gắng rời xa những thứ trang trọng và ngột ngạt để khung cảnh đám cưới trông thật khác. Chúng tôi đã xem xét những xu hướng này và có vẻ như đây là thời điểm thích hợp để hỗ trợ khách hàng", Isha Nicole, phó chủ tịch cấp cao phụ trách marketing của Boot Barn, cho biết.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/xu-huong-moi-cua-co-dau-gen-z-post1475149.html