Xu hướng ngành nghề qua nguyện vọng đăng ký của thí sinh: 'Hot' quá khó nhằn

Nếu so sánh nguyện vọng đăng ký và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021, nhóm ngành Kinh doanh - quản lý và Máy tính - công nghệ thông tin có tỷ lệ tương đương 1 chọi 10.

Sinh viên nhóm ngành Kinh doanh - quản lý HUTECH trong một buổi học nhóm.

Sinh viên nhóm ngành Kinh doanh - quản lý HUTECH trong một buổi học nhóm.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, năm nay nhiều trường mở thêm các ngành thuộc nhóm “hot”.

Hồ sơ đăng ký nhiều, điểm chuẩn dự kiến cao

Theo thống kê, năm 2021, nhóm ngành Kinh doanh - quản lý thu hút hơn 1,2 triệu nguyện vọng đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu chỉ chưa tới 120 nghìn. Đây là nhóm ngành có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều nhất. Đứng thứ hai là nhóm ngành Máy tính - công nghệ thông tin với hơn 330 nghìn nguyện vọng đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu chưa tới 50 nghìn.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) tính đến thời điểm hiện tại nhận được 30 nghìn NV đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành này, trong khi tổng chỉ tiêu khoảng 2 nghìn.

Còn tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), số nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng chiếm số lượng đông thứ nhì bảng… Trong khi đó đăng ký nguyện vọng theo hình thức xét tuyển học bạ THPT, hai ngành học này chiếm số lượng đông nhất bảng.

Tình trạng thí sinh đổ xô đăng ký ngành “hot” dễ khiến điểm chuẩn nhóm ngành này tăng mạnh, nhất là nhóm trường tốp đầu. TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho rằng: Lượng thí sinh đăng ký vào các nhóm ngành Kinh doanh - quản lý và Công nghệ thông tin tăng lên đáng kể tất yếu sẽ dẫn đến điểm trúng tuyển các nhóm ngành tăng theo.

Tương tự, TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh & Công tác SV HCMUTE cũng cho biết: Khối ngành Kinh doanh - quản lý, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký nhiều và điểm chuẩn trúng tuyển cao tương ứng. Ngoài ra, việc đổ xô vào ngành “hot” trong tương lai có thể dẫn đến thừa nhân lực. Thực tế vẫn có nhiều ngành không “hot”, tên gọi kém “kêu” nhưng nhu cầu xã hội rất cần, thu nhập cũng không phải thấp, như nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp.

SV ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong giờ học thực hành.

Ngành “hot” cần người phù hợp

Một trong những vấn đề mà các nhà tư vấn hướng nghiệp thường lưu ý các thí sinh là xem xét tố chất đặc trưng của ngành học.

TS Nguyễn Trung Nhân cho rằng: Nhóm ngành Quản lý kinh doanh phù hợp với thí sinh nhạy bén, thích giao tiếp, hướng ngoại. Trong khi đó, nhóm ngành Kỹ thuật, công nghệ (trong đó có công nghệ thông tin) đòi hỏi thí sinh có tư duy logic tốt (kiến thức toán, vật lý tốt), cẩn thận, chịu khó học hỏi.

“Việc chọn ngành lệch, một phần do các em chọn theo đám đông, một phần cho rằng nhóm ngành Kinh doanh - quản lý môi trường làm việc nhẹ nhàng, có cơ hội làm quản lý… Tuy nhiên, cảm nhận đó của thí sinh chưa hoàn toàn chính xác” - TS Nguyễn Trung Nhân lưu ý.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) cũng nhấn mạnh yếu tố phù hợp về mặt tố chất khi chọn ngành. “Những thí sinh thích ngành kinh tế phải năng động, giỏi tiếng Anh, giao tiếp tốt… Điều này đã được các trường nhắc nhiều lần và các thí sinh cũng dựa vào để chọn ngành mình yêu thích”.

Là đơn vị có đào tạo nhóm ngành Kinh doanh - quản lý và công nghệ thông tin, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) lưu ý: Với nhóm ngành Kinh doanh - quản lý, ngoài niềm yêu thích, tố chất cần thiết có thể kể đến là tư duy logic, sự nhạy bén, linh hoạt, bản lĩnh và chịu được áp lực. Ngoài ra, khả năng tổ chức quản lý công việc, trải nghiệm và kỹ năng mềm cũng là những lợi thế đáng kể.

Trong khi đó, với nhóm ngành Công nghệ thông tin, tố chất cần thiết là nhạy bén với công nghệ, tư duy logic, kiên nhẫn... và một số kỹ năng bổ trợ như quản lý thời gian, làm việc nhóm… Ngoài ra, tố chất hay kết quả học tập, thi cử là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ, bản thân người học kể cả khi có lợi thế tố chất vẫn cần liên tục trau dồi trong quá trình học lẫn làm việc.

Chính vì thế, việc xét tuyển vào nhóm ngành này không chỉ dành cho những em giỏi về điểm số học tập (29 - 30 điểm/môn). Thí sinh nên được trao nhiều cơ hội hơn trong việc chọn ngành, trải nghiệm ngành học trước khi lựa chọn nghề nghiệp.

Trường hợp thí sinh đã cân nhắc kỹ các yếu tố khi chọn ngành “hot” và có tố chất phù hợp cũng nên có chiến lược đăng ký nguyện vọng thông minh, để cơ hội trúng tuyển cao. “Nếu xác định được ngành thì phải đăng ký nguyện vọng ở các trường đại học có điểm chuẩn trúng tuyển khác nhau, để không lỡ mất cơ hội” - TS Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang lưu ý.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, năm nay một số trường mở thêm các ngành như An ninh mạng hay cử nhân ngôn ngữ Anh (chuyên sâu kinh doanh - công nghệ thông tin) và ngành Kỹ sư tự động hóa và tin học. Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả khảo sát mở ngành cho thấy nhu cầu nhân lực của hai ngành đào tạo này tại các doanh nghiệp rất lớn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xu-huong-nganh-nghe-qua-nguyen-vong-dang-ky-cua-thi-sinh-hot-qua-kho-nhan-kWIF9feMR.html