Xu hướng người nổi tiếng viết tiểu thuyết

Từ Richard Osman, Millie Bobby Brown cho tới Keanu Reeves, tiểu thuyết của người nổi tiếng đang xuất hiện ngày một nhiều.

Ảnh minh họa: Nathalie Lees/The Guardian.

"Tôi hiểu rằng nếu tôi định sáng tác, tôi sẽ phải đặt 100% tâm huyết vào công việc ấy", Richard Osman nói về cuốn tiểu thuyết tội phạm đầu tay của mình - The Thursday murder club (Câu lạc bộ án mạng ngày thứ năm) - cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2020 và ngay lập tức lọt vào danh sách bán chạy. Kể từ khi ấy, Osman đã xuất bản thêm 3 cuốn tiểu thuyết khác và bán ra hơn 10 triệu bản sách trên toàn thế giới.

Theo Guardian, Osman là ví dụ thành công của xu hướng người nổi tiếng viết tiểu thuyết. Hẳn nhiên, hiện tượng này đã xuất hiện từ lâu với những cái tên như Alan Titchmarsh, Ben Elton. Thị trường sách thiếu nhi của người nôti tiếng cũng đã tồn tại được một thời gian và đang trở nên bão hòa.

Tuy vậy, doanh số tiểu thuyết cho người lớn do người nổi tiếng sáng tác đã có những tín hiệu đáng mừng.

Theo dữ liệu của Nielsen BookScan, năm 2018, Top 100 sách hư cấu bìa mềm bán chạy nhất chỉ có một tựa của một tác giả nổi tiếng - Uncommon type (tạm dịch: Loại không phổ biến) của Tom Hanks - và không có tựa nào trong Top 20. Năm 2023, có đến 8 trong số 100 cuốn sách bán hư cấu chạy nhất là tựa sách của người nổi tiếng như Bob Mortimer, Richard Coles và Dolly Parton.

Có lẽ, thành công bất ngờ của Osman đã khuyến khích những người nổi tiếng khác lấn sân trở thành tiểu thuyết gia.

Một hiện tượng với nhiều ý kiến trái chiều

Quan điểm về hiện tượng này có sự chia rẽ: Một số người cho rằng thủy triều dâng cao sẽ nâng tất cả tàu thuyền lên, do đó doanh số bán tiểu thuyết của những người nổi tiếng tăng lên sẽ thu hút độc giả tìm đến những cuốn sách khác. Nhóm còn lại tin rằng những cuốn tiểu thuyết của người nổi tiếng cướp đi "nguồn oxy" quảng bá của những nhà văn toàn thời gian.

Điểm tranh cãi đầu tiên là liệu chúng ta có nên sử dụng nhãn hiệu “tiểu thuyết gia nổi tiếng” (celebrity novelist) hay không. Ông Jonny Geller, quản lý văn học của Curtis Brown, cho rằng cụm từ này hơi mang tính miệt thị, ẩn chứa ngụ ý rằng những người nổi tiếng không phải là những nhà văn nghiêm túc.

Phát thanh viên và nhà báo Lorraine Kelly, người có cuốn tiểu thuyết đầu tay sẽ được xuất bản vào tháng 2, cũng đồng ý với quan điểm này. Bà nói: "Thành thật mà nói, tôi thích được gọi đơn giản là 'tiểu thuyết gia' hơn".

Juliet Mushens, quản lý của Osman, chia sẻ: "Tôi cũng thấy hơi bực bội với cụm từ này. Tôi không nghĩ có ai lại gọi Stephen Fry là 'tiểu thuyết gia nổi tiếng' phải không?". Fry là một diễn viên và nghệ sĩ hài nổi tiếng trước khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, The Liar (tạm dịch: Kẻ nói dối), vào năm 1991.

Thực tế, nhiều "tiểu thuyết gia nổi tiếng" ngày nay vốn đã là một tác gia viết những thể loại khác trước khi chuyển sang sáng tác tiểu thuyết. Bản thân Osman vốn cũng là một biên kịch, biên tập cho kịch bản truyền hình.

Osman nói: "Với những người như vậy, họ không viết sách mới là điều đáng ngạc nhiên. Nếu bạn viết và bạn đọc, kiểu gì cũng đến lúc bạn viết một cuốn sách".

Nhưng không phải tất cả tiểu thuyết gia nổi tiếng đều được biết đến nhờ viết lách, hay viết sách theo một cơn bộc phát từ đam mê. Phoebe Morgan, giám đốc xuất bản tiểu thuyết thương mại tại Hodder & Stoughton, người xuất bản sách của Graham Norton và Sara Cox, cho biết: “Cách thức hoạt động của ngành là chúng tôi nhảy vào các làn sóng xu hướng. Nếu bạn có được một trường hợp đột phá như Osman, mọi người sẽ cố gắng lặp lại thành công tương tự”.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: xuất bản đang cạnh tranh với các hình thức giải trí khác trong bối cảnh truyền thông ngày càng bị phân mảnh và một tác giả có tên tuổi đã được công nhận là một triển vọng đầy hấp dẫn.

Theo ông Jonny Geller, sự nổi lên của TikTok như một công cụ quảng cáo sách giúp cho người làm xuất bản “thực sự có thể xem mọi người đang theo xu hướng nào, mọi người đang đọc chủ đề gì và có thể kiếm tiền từ điều đó”.

Geller nói thêm: “Không nghi ngờ gì nữa, rằng các nhà xuất bản đang tìm kiếm những tên tuổi có nền tảng, thu hút một tệp khán giả sẵn".

Bà Phoebe Morgan xác nhận rằng phía nhà xuất bản thường tiếp cận những người nổi tiếng trước. Nhưng theo Geller, họ không chỉ tìm kiếm bất kỳ người nổi tiếng nào. “Họ thích ý tưởng về một 'báu vật quốc gia', một người có tầm ảnh hưởng mà công chúng cảm thấy đồng cảm".

Richard Osman là ví dụ thành công nhất của xu hướng người nổi tiếng viết tiểu thuyết. Ảnh: David Levenson/Getty Images.

Tiểu thuyết được viết thuê rồi gắn danh người nổi tiếng

Nhưng không phải người nổi tiếng nào cũng tự viết tiểu thuyết. Có những cuốn tiểu thuyết được người viết thuê viết, sau đó xuất bản với tên người nổi tiếng, người mà có lẽ chỉ đóng góp một số ý tưởng cho câu chuyện, giúp xây dựng nhân vật khi trao đổi với nhà văn thực sự. Về cơ bản, các nhà xuất bản đang theo đuổi bất kỳ ai từng xuất hiện trên truyền hình, cho dù họ có khả năng viết tiểu thuyết hay không.

Có rất nhiều cuốn sách đã được xuất bản như thế. Đơn cử, Swan (tạm dịch: Thiên nga) của Naomi Campbell, xuất bản năm 1995, do Caroline Upcher chấp bút với gần như không có sự góp ý nào từ Campbell.

Những cuốn tiểu thuyết được viết thuê ngày nay thường có sự hợp tác nhiều hơn từ người nổi tiếng, trong đó, người nổi tiếng sẽ chia sẻ kiến thức nội ngành của họ giúp nhà văn sáng tác. Một ví dụ là cuốn Murder on the dance floor (tạm dịch: Án mạng trên sàn nhảy), vũ công Shirley Ballas cố vấn cho nhà văn Sheila McClure viết.

Jonny Geller nói: "Điều mà các nhà xuất bản đang tìm kiếm là sự rõ ràng. Nếu ai đó nổi tiếng vì cái gì, cuốn tiểu thuyết dưới tên họ phải phản ánh điều đó".

Điều then chốt ở những cuốn tiểu thuyết này là sự thẳng thắn. Osman cho biết: "Hầu hết người nổi tiếng không tự viết tiểu thuyết đều cởi mở về điều đó. Đối với tôi, đó không phải là một trò lừa đảo, bởi vì độc giả biết mình đang nhận được gì. Đó là câu chuyện thương hiệu".

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/xu-huong-nguoi-noi-tieng-viet-tieu-thuyet-post1455690.html