Xu hướng nhập xe ô tô Trung Quốc có thể quay trở lại?

Thời gian gần đây, không chỉ nhiều doanh nghiệp nhỏ đang hướng tới việc nhập khẩu ô tô cá nhân từ Trung Quốc, mà các nhà sản xuất của nước này cũng bắt đầu mở thị trường Việt Nam.Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2019, cả nước nhập 4.040 ô tô nguyên chiếc các loại từ Trung Quốc, tổng kim ngạch đạt hơn 162,5 triệu USD, tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Quyết tâm mở cửa thị trường

Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, trong đó phân tích khá rõ câu chuyện ô tô Việt kém cạnh tranh với xe ngoại nhập.

Theo Bộ Công Thương, các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (tỷ lệ nội địa hóa đạt 45-55%, vượt chỉ tiêu so với Quy hoạch ngành ô tô đề ra).

Đáng chú ý, xu hướng nhập xe Trung Quốc, đặc biệt là dòng xe cá nhân được dự báo sẽ trở lại khi quy định về nhập khẩu thông thoáng hơn. Thực tế, các thương hiệu xe Trung Quốc cũng đang ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường Việt Nam.

Nếu trước đây chỉ có vài tên tuổi quen thuộc như Zotye, Baic, thì nay có thêm Hanteng, Dong Feng, Dong Ben, Saic... dù chưa phổ biến. Mẫu mã xe cũng đa dạng và bắt mắt hơn, cùng nhiều công nghệ thời thượng.

Nắm bắt được cơ hội, Tập đoàn Dong Feng vừa qua đã mở một số showroom tại các tỉnh phía Nam và giới thiệu 5 mẫu xe mang thương hiệu Joyear gồm cả sedan lẫn SUV 5 chỗ và SUV 7 chỗ.

Theo đại diện của một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe ô tô, dòng xe Trung Quốc đang được một bộ phận lớn người dân ở khu vực nông thôn quan tâm và sẵn sàng bỏ tiền mua do giá bán thấp hơn nhiều so với những mẫu xe thương hiệu Nhật, Mỹ nhập khẩu từ ASEAN cùng phân khúc, đồng thời được hỗ trợ lớn.

Theo Bảng giá tính lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy do Bộ Tài chính ban hành ngày 9/4/2019, dòng xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi mang thương hiệu Trung Quốc có giá tính lệ phí trước bạ chỉ từ hơn 300 triệu đồng trở lại. Vì vậy, chi phí bỏ ra không nhiều và thường được DN bán hàng hỗ trợ 100%.

Thậm chí, có thông tin cho biết nhiều DN Trung Quốc đang có dự định đầu tư các dự án sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, khi đó giá xe sẽ còn rẻ hơn.

Chẳng hạn, mẫu Joyear S50 (sedan 5 chỗ) của Dong Feng đang có giá bán 439 triệu đồng sẽ giảm còn hơn 300 triệu đồng, hay mẫu Joyear X5 giá 609 triệu đồng sẽ giảm về mức 450 triệu đồng.

Ô tô Trung Quốc vẫn khó có thể chinh phục được thị trường Việt Nam

Ô tô Trung Quốc vẫn khó có thể chinh phục được thị trường Việt Nam

Không dễ thành công

Việc mở thêm showroom cũng như tăng cường cơ chế hỗ trợ cho các đại lý, nhà nhập khẩu thể hiện quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam - một thị trường được đánh giá là khá tiềm năng với tỷ lệ ô tô hóa ngày càng cao của các hãng xe Trung Quốc.

Tuy nhiên, các hãng xe gần đây đang gặp khó khăn khi trong quá trình làm thủ tục, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Hải Phòng) phát hiện trong lô hàng 12 ô tô nhập khẩu có 7 chiếc mà trên màn hình định vị dẫn đường hiển thị hình ảnh nghi vấn có “đường lưỡi bò” phi pháp.

Hiện, nhiều nhà nhập khẩu đã tạm dừng giao dịch với phía đối tác và chờ quy định mới. Thông tin này cũng khiến nhiều khách hàng có ý định mua ô tô Trung Quốc tỏ ra ngần ngại, chuyển hướng sang mua hãng xe khác cho yên tâm.

Theo đại diện một showroom xe Trung Quốc tại Hà Nội, những ngày gần đây, người mua xe luôn đặt câu hỏi sản phẩm có “đường lưỡi bò” trên hệ thống định vị của xe hay không và tỏ ra không tin tưởng dù nhân viên bán hàng trấn an, thậm chí cam kết chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, có một thực tế là nếu không có câu chuyện “đường lưỡi bò” thì xe Trung Quốc cũng vẫn tồn tại nhiều vấn đề về chất lượng dù hình thức, mẫu mã đẹp. Một số người dùng cho biết sau một thời gian sử dụng, xe sẽ nhanh chóng xuống cấp, nhiều tiếng ồn..., gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm sửa chữa.

Đáng chú ý, các hãng xe ô tô Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang xuất hiện những nhân tố mới.

Về phía nguồn cung, CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đã tăng công suất dây chuyền lắp ráp và sự ra đời của hãng xe VinFast sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam.

Về phía cầu, thị trường cũng đang mở dần đối với xe nội địa. Mới đây, gần 400 xe ô tô của VinFast được đưa vào sử dụng làm phương tiện tài trợ phục vụ nhu cầu di chuyển của các đại biểu quốc tế đến Việt Nam dự Hội nghị ASEAN 2020.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho DN công nghiệp hỗ trợ tiếp cận.

Sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu công nghệ tại 3 vùng để DN hỗ trợ có điều kiện tiếp cận.

Theo Vân Linh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/xu-huong-nhap-xe-o-to-trung-quoc-co-the-quay-tro-lai/20191116023312936