Xu hướng tiêu dùng xanh

Khi môi trường trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, tiêu dùng xanh được xem là xu hướng tiêu dùng của thế kỷ. Trong nhiều năm trở lại đây, tiêu dùng xanh được xem là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 4/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Hội thảo “Người tiêu dùng hướng tới tiêu dùng xanh trong cộng đồng”.

Xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng, trong những năm qua, xu hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn ngày càng phát triển. Thay vì quá lạm dụng trong việc sử dụng hóa chất, trong đó có hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biế, bảo quản, sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường ngày càng được lựa chọn. Tuy nhiên, việc giảm tác động xấu đến môi trường đến từ một vế là sản xuất, vế còn lại là tiêu dùng, phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn, sử dụng và thải loại, sản xuất của người tiêu dùng. Chính vì thế, tiêu dùng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.

Nhận thức rõ điều đó, thúc đẩy tiêu dùng xanh đang là hướng đi đúng đắn và tích cực của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển.

Không chỉ là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có Hiệp định về Biến đổi khí hậu, Việt Nam có những bước đi cụ thể của mình. Ngày 24/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thực hiện sản xuất và và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó có doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Với xu hướng có sức ảnh hưởng lớn như tiêu dùng xanh, các doanh nghiệp khó có thể ngó lơ. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và sạch”.

Theo đó, nhiều cửa hàng, đồ uống, chuỗi cà phê đã “bắt tay” với các đơn vị cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm theo xu hướng xanh bằng cách sự dụng các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thay cho ống hút nhựa, hạn chế sử dụng nước đóng chai có bao bì khó phân hủy….

Nhiều siêu thị lớn cũng đã nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi nilon, rác thải nhực bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ quả, thực phẩm thay túi nilon, sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển minh trong nghiên cứu và sản xuất, tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường…

Mục tiêu nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế, thức đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/xu-huong-tieu-dung-xanh/416100.vgp