Xu hướng xây dựng khu dân cư trên đất công nghiệp tại Mỹ (Phần 1)

Tại Mỹ đang bùng nổ xu hướng khai thác các khu vực từng là cụm công nghiệp cũ theo hướng chuyển đổi thành các khu dân cư, tuy nhiên nằm sâu dưới lòng đất là những 'di sản' bị quên lãng.

Biển rao bán một ngôi nhà ở Chicago, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Biển rao bán một ngôi nhà ở Chicago, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các nhà phát triển đô thị và giới chức khu vực rất háo hức với triển vọng những nhà máy cũ kỹ, gian hàng trống, tòa nhà xuống cấp và nhà kho bỏ hoang nhường chỗ cho các nhà máy bia, quán cà phê, nhà hàng… và những bức tường được bích họa sống động.
Tuy nhiên, sự thiếu thông tin về thực trạng chất thải hậu công nghiệp cũng như những hiểm họa tiềm tàng đối với môi trường dân sinh khiến các dự án này đối mặt với nhiều thách thức.
Kensington, một cụm công nghiệp cũ tọa lạc gần Philadelphia, hiện đang trong quá trình “tái sinh” để trở thành khu dân cư. Nằm ở phía Đông Bắc của trung tâm thành phố, khu phố này ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn đối với dân môi giới địa ốc và đầu tư, với giá nhà ở một số khu vực đã tăng 50% kể từ năm 2014.
Một nhà phát triển dự án nhà ở giá rẻ gần đó mô tả rằng dự án này “truyền sức sống” cho một vùng lân cận của thành phố vốn có nguy cơ trở thành tụ điểm của tội phạm và tệ nạn.
Nổi bật trong bức tranh xán lạn của Kensington là khu phức hợp cao cấp Regent Row, hiện đang trong quá trình xây dựng, bao gồm 36 ngôi nhà với mức giá trung bình 500.000 USD mỗi căn. Tuy nhiên, một phần của dự án đang bị đình trệ.
Theo lệnh dừng thi công do Cục Cấp phép và kiểm tra của Philadelphia chỉ thị hồi đầu tháng Chín, trong quá trình xây dựng, một nhà thầu đã khoan phải một bể ngầm dưới lòng đất mà không ai biết về sự tồn tại của nó. Vụ việc này đã gây ra sự cố rò rỉ dầu công nghiệp Số 3 - một loại nhiên liệu không còn được sử dụng nhiều ngày nay. Các nhà thầu cần phải loại bỏ đất ô nhiễm trước khi hoạt động xây dựng được nối lại.
Việc phát hiện các bể ngầm chứa dầu cũ xảy ra khá phổ biến bởi theo các quy định như Đạo luật Ngăn chặn lưu trữ và tràn dầu, các bồn chứa dầu cũ được miễn đăng ký.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra với dự án Regent Row ở Philadelphia - một thành phố từng nổi tiếng dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo của nước Mỹ - là chỉ dấu của những nguy cơ nghiêm trọng hơn đặt ra đối với các cụm sản xuất và khu công nghiệp cũ khác cũng đang trở thành điểm nóng phát triển trên khắp nước Mỹ.
Các nhà hoạch định và phát triển đô thị rất ít khi được cung cấp đầy đủ thông tin về mức độ ô nhiễm thực sự nằm sâu bên dưới các thành phố của Mỹ. Đó là thông tin được tiết lộ trong cuốn sách mới của hai nhà xã hội học Scott Frickel thuộc Đại học Brown và James R. Elliott của Đại học Rice mang tựa đề Sites Unseen: Uncovering Hidden Hazards in American Cities (tạm dịch: Những địa điểm chưa được biết tới: Phát hiện các mối nguy tiềm ẩn ở các thành phố của Mỹ).
Các nghiên cứu của đồng tác giả Frickel và Elliott bắt đầu vào năm 2005. Sau khi chứng kiến hậu quả của cơn bão Katrina gây ra đối với các thành phố, họ bắt đầu quan tâm đến việc tái phát triển và sự thay đổi trong cách sử dụng đất đai.
Những phân tích trong cuốn sách tập trung vào hồ sơ của các khu công nghiệp và bất động sản trong nhiều thập niên vừa qua ở một số thành phố lớn của Mỹ, bao gồm Philadelphia, chỉ ra rằng số lượng khu công nghiệp chế tạo được liệt kê trong cơ sở dữ liệu của chính phủ chỉ chiếm chưa đến 10% con số thực tế. Việc thiếu các dữ liệu chính xác đã cho thấy những rủi ro ô nhiễm chưa được xác định ẩn dưới lòng đất.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xu-huong-xay-dung-khu-dan-cu-tren-dat-cong-nghiep-tai-my-phan-1-/99545.html