Xử lý 79 căn biệt thự xây dựng không phép ở Phú Quốc: Không để 'con voi chui lọt lỗ kim'

Đại diện chính quyền tỉnh Kiên Giang khẳng định, sẽ xử lý triệt để 79 căn biệt thự xây dựng không phép và tiếp tục xử lý nhiều căn nhà không phép khác trên đảo Phú Quốc với quyết tâm lập lại trật tự trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, quản lý và bảo vệ rừng.

Lực lượng chức năng đã tháo dỡ 2/79 căn biệt thự xây dựng không phép ở Phú Quốc

Lực lượng chức năng đã tháo dỡ 2/79 căn biệt thự xây dựng không phép ở Phú Quốc

Biệt thự “mọc” trên đất rừng

Theo báo cáo của xã Dương Tơ, nguồn gốc khu đất 18,9ha tại ấp Đường Bào là rừng phòng hộ mọc tự nhiên. Sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng Phú Quốc; đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị này quản lý theo thẩm quyền. Năm 2012, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục ban hành quyết định thu hồi diện tích đất vừa nêu, giao cho UBND xã Dương Tơ quản lý. Khoảng tháng 10-2018, UBND xã Dương Tơ kiểm tra phát hiện trên phần diện tích khoảng 15ha đã có các cá nhân vào chiếm đất, đổ đường bê tông nhằm mục đích phân lô. Các trường hợp này đều không đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Quá trình kiểm tra, làm việc thì không có đối tượng nào hợp tác, không có ai thừa nhận hành vi vi phạm.

Cuối năm 2019, UBND xã Dương Tơ ban hành thông báo và tiến hành phá dỡ đường bê tông để ngăn chặn việc xây dựng trái phép. Tuy nhiên, lợi dụng sơ hở, tận dụng ngày nghỉ, ngày lễ, kể cả ban đêm, các đối tượng đã xây thêm 29 căn nhà kiểu biệt thự. Ngay sau đó, UBND xã đã ra thông báo yêu cầu phá dỡ toàn bộ vật kiến trúc, nhưng hồ sơ không đảm bảo trình tự thủ tục nên không thực hiện được. Đến tháng 5-2022, UBND xã Dương Tơ phát hiện các đối tượng đã xây dựng thêm 50 căn biệt thự trái phép, nâng tổng số lên 79 căn biệt thự trái phép. Một lãnh đạo xã Dương Tơ (đã nghỉ hưu) cho biết, việc xử lý các trường hợp cố tình bao chiếm đất công rất khó, vì thời điểm đó cả đảo đang gồng mình ứng phó đại dịch Covid-19. Chưa kể, thẩm quyền xử lý của xã cũng giới hạn, chủ yếu là nắm tình hình, lập biên bản và báo cáo cấp trên xin ý kiến.

Xử lý… tới nơi tới chốn!

Dư luận đặt vấn đề vì sao trên đất công mà có nhiều biệt thự được xây dựng không phép nhanh như vậy, tồn tại ngang nhiên như vậy? Thậm chí nhiều căn được cấp cả đồng hồ điện, đã có người vào ở.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói: “Hiện nay, 79 căn này (biệt thự - PV) của rất nhiều chủ, họ mua giấy tay xong rồi phân lô bán. Họ bán đúng quy định thì không sao. Mình chỉ cưỡng chế những trường hợp xây dựng trên đất nhà nước, không có giấy phép xây dựng, tự xây dựng trên đất khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Còn nếu có dấu hiệu lừa đảo thì sẽ khởi tố bị can, xử lý hình sự. Trước mắt, xử lý cho xong 79 căn, sau đó sẽ mở rộng sang các khu khác. Những sai phạm sẽ được xử lý một cách đầy đủ, đúng quy định pháp luật, thời gian có thể kéo dài, nhưng tinh thần là phải làm tới nơi tới chốn”.

Cưỡng chế một trong những biệt thự xây dựng không phép ở Phú Quốc

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, trước mắt cưỡng chế 2 căn biệt thự đã củng cố đủ hồ sơ; sau đó sẽ tiếp tục rà soát tính pháp lý để cưỡng chế, tháo dỡ tất cả những căn xây dựng không phép trên đất nhà nước quản lý còn lại, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Liên quan đến 79 căn biệt thự xây dựng không phép trên đất do nhà nước quản lý, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã xác định được 3 bị hại; đồng thời đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 bị can để điều tra về hành vi lừa đảo mua bán đất nhà nước. Vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo SGGP, hiện cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng có vai trò tổ chức thực hiện việc bán đất và “bảo kê” xây nhà trái phép. Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định, việc 79 căn biệt thự xây dựng trên đất nhà nước quản lý là có trách nhiệm của địa phương về quản lý đất đai, xây dựng, trách nhiệm thuộc về ai thì sẽ làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn, sau khi xử lý xong các công trình vi phạm.

Tính từ đầu năm 2019 tới nay, trên địa bàn TP Phú Quốc đã xảy ra 1.744 vụ vi phạm về đất đai, lâm nghiệp và xây dựng. Liên quan đến vấn đề này, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 7 vụ với 15 bị can; đang thụ lý hồ sơ điều tra 7 vụ có dấu hiệu tội hủy hoại rừng. Đồng thời các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cũng đang tiến hành thanh tra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước trên địa bàn TP Phú Quốc và cũng sẽ thanh tra làm rõ về việc cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh cho các tổ chức, cơ sở và hộ dân tại các khu vực xây dựng không hợp pháp trên địa bàn TP Phú Quốc.

Tổ công tác đặc biệt đã phát huy sức mạnh

Tháng 6-2022, khi được thành lập, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành rà soát, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc. Qua đó, phát hiện nhiều căn nhà xây dựng không phép, nhiều trường hợp lấn chiếm đất nhà nước.

Riêng tại xã Dương Tơ, trên diện tích gần 25ha đất nhà nước quản lý đã xuất hiện 229 căn nhà trái phép, trong đó có 79 căn biệt thự xây dựng không phép trên khu đất 18,9ha ở khu vực ấp Đường Bào.

QUỐC BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//xu-ly-79-can-biet-thu-xay-dung-khong-phep-o-phu-quoc-khong-de-con-voi-chui-lot-lo-kim-856334.html