Xử lý 85 cơ sở kinh doanh tăng giá khẩu trang, thiết bị y tế

Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong ngày 1/2/2020, lực lượng QLTT trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, tính đến cuối ngày đã xử lý 85 cửa hàng vi phạm với tổng số tiền 88.700.000 đồng. Tạm giữ 4.870 khẩu trang có dấu hiệu vi phạm.

Ghi nhận trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng, thu gom, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.

Đối với Khu vực miền Bắc, tại Hà Nội, dọc tuyến phố Ngọc Khánh, các cửa hàng thuốc đều treo biển thông báo hết khẩu trang y tế. Tại chợ thuốc Hapulico, hai doanh nghiệp phối hợp Ban Quản lý, lực lượng Quản lý thị trường và Công an tổ chức bán 17.000 hộp khẩu trang loại 50 chiếc/hộp với giá 50.000 đồng/hộp. Dọc tuyến phố Phương Mai, nhiều cửa hàng thuốc bán các loại khẩu trang nhiều loại với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/hộp nhưng số lượng người mua không nhiều. Tại các khu vực khác, nhiều cửa hàng thuốc vẫn bán khẩu trang y tế với giá 3.000 đồng/chiếc (150.000 đồng/hộp) nhưng số lượng người mua không nhiều.

QLTT xử lý 85 cơ sở kinh doanh tăng giá khẩu trang, thiết bị y tế

QLTT xử lý 85 cơ sở kinh doanh tăng giá khẩu trang, thiết bị y tế

Tại Quảng Ninh, hiện trên thị trường rất khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra và đang tạm giữ 200.000 chiếc khẩu trang (chủ yếu do thu gom để xuất sang bên kia biên giới). Theo báo cáo, các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an và Quản lý thị trường đang xem xét phương án xử lý nhằm sớm đưa số khẩu trang này ra phục vụ nhu cầu của người dân.

Giá khẩu trang y tế tại phố Lào Cai phổ biến thông dụng ở mức 3.000 - 5.000 đ/chiếc tăng so với trước đây là 1.000 – 3.000 đ/chiếc, tuy nhiên số lượng hàng khẩu trang tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, vật tư y tế không còn nhiều, chỉ còn 5 – 10 hộp (50 chiếc/ hộp) nhiều cơ sở đã hết hàng. Một số nhà thuốc đã quy định chỉ bán 10 chiếc/ người đến mua. Không có hiện tượng chen lấn, xổ đẩy nhau mua bán khẩu trang.

Đối với Khu vực miền Nam, tại TP Hồ Chí Minh, ngày 01/02/2020, các Đội Quản lý thị trường ghi nhận sức mua mặt hàng khẩu trang y tế giảm so với ngày 31/1/2020, tuy nhiên do tình hình sau Tết Nguyên Đán lượng hàng bán ra chủ yếu hàng tồn kho trước Tết nên một số nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế có kinh doanh mặt hàng khẩu hàng y tế đã hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít.

Riêng đối với khu vực chợ Sỉ Thuốc Tây tại Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh thì tình trạng buôn bán khẩu trang vẫn diễn ra bình thường, chưa phát hiện tình trạng khan hiếm hàng. Số lượng người mua tập trung đông và lượng hàng hóa bán ra tương đối nhiều so với bình thường.

Tại các tỉnh, thành phố khác, hầu hết các quầy thuốc, cơ sở kinh doanh hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh vẫn còn bán nhưng số lượng ít, chỉ còn từ 01 đến 02 hộp khẩu trang. Một vài cơ sở đã hết hàng do sức mua tăng cao vào dịp học sinh đi học, công nhân đi làm trở lại sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. giá mặt hàng khẩu trang nhìn chung có tăng nhiều so với trước đây, tuy nhiên số lượng hàng tại các quầy thuốc, các cơ sở kinh doanh dụng cụ trang thiết bị y tế hiện còn rất ít, chủ yếu là bán lẻ, một số cơ sở không còn hàng để bán và cũng không nhập về thêm do không có hàng.

Trước đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.

“Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm: “Điều 10, Luật Giá cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch họa để kinh doanh hàng hóa trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch họa sẽ bị phạt từ 30-300 triệu và phạt tù tới 3 năm”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.

Để tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa nCoV, Phó thủ tướng giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.

T/h

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/xu-ly-85-co-so-kinh-doanh-tang-gia-khau-trang-thiet-bi-y-te-7002/