Xử lý bùn thải đô thị: Cần khuyến khích công nghệ tái sử dụng

Lượng bùn thải ở các đô thị của nước ta ngày càng tăng nhưng cơ chế quản lý, phân loại bùn thải còn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công nghệ phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật để vừa bảo vệ môi trường, vừa có hiệu quả kinh tế còn bỏ ngỏ.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này.

 Ông Hoàng Dương Tùng.

Ông Hoàng Dương Tùng.

Phóng viên (PV): Hiện nay, bùn thải đô thị được phân loại như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Dương Tùng: Bùn thải đô thị được phân loại chủ yếu theo nguồn gốc phát sinh gồm: Bùn từ hệ thống thoát nước đô thị (được nạo vét từ các cống rãnh, kênh rạch, sông hồ); bùn từ các nhà máy xử lý nước thải và bùn bể tự hoại phần lớn từ các hộ gia đình, cơ quan sử dụng hệ thống vệ sinh tại chỗ, các nhà vệ sinh công cộng... Các loại bùn cặn nước thải có độ ẩm lớn nên khi thu gom, vận chuyển rất khó khăn và dễ gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, bùn cặn nước thải sinh hoạt có hàm lượng chất hữu cơ cao, nồng độ kim loại nặng và chỉ số độc hại thấp, có thể sử dụng làm phân bón nhưng lại chứa nhiều vi khuẩn, trứng giun sán dễ gây bệnh. Đối với hệ thống thoát nước các khu vực công nghiệp, trong bùn cặn có thể tồn tại kim loại nặng như chì, thủy ngân… nên khó xử lý và sử dụng.

PV: Có thể thấy, công tác thu gom, xử lý bùn thải (XLBT) đô thị của nước ta hiện nay chưa đáp ứng được với quá trình phát triển. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng này?

Ông Hoàng Dương Tùng: Các công đoạn xử lý nước thải (XLNT) làm phát sinh một lượng bùn thải đáng kể. Ở các đô thị của chúng ta, hầu hết các hộ gia đình sử dụng hệ thống vệ sinh tại chỗ và chủ yếu là các bể tự hoại. Phần lớn nước thải được xả vào hệ thống thoát nước công cộng, còn bùn thải từ các công trình vệ sinh và từ mạng lưới đường ống thoát nước được thông hút, nạo vét, thu gom và vận chuyển chưa qua xử lý hoặc chỉ mới khử nước đổ thẳng ra kênh rạch, sông hồ hoặc bãi chôn lấp cùng với các loại rác thải đô thị. Bên cạnh đó, tuy việc nạo vét bùn từ mạng lưới thoát nước ở nhiều đô thị lớn đã được cơ giới hóa nhưng những khu vực đô thị vừa và nhỏ vẫn còn sử dụng phương pháp thủ công. Phương pháp thủ công tuy chi phí thấp nhưng năng suất lại không cao, khó thu gom bùn thải một cách triệt để và gây nguy hại đến sức khỏe người lao động.

Các kỹ thuật viên điều khiển hệ thống xử lý nước thải của Trạm xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Ảnh: ĐỨC LÊ

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Ông Hoàng Dương Tùng: Đặc điểm các đô thị của nước ta phần nhiều là đô thị cũ, đô thị cải tạo và mở rộng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật bị hạn chế trong khi mật độ dân số ngày một cao, lượng bùn thải ngày một tăng. Theo tôi được biết, chỉ tính riêng ở khu vực đô thị, hệ số phát sinh bùn thải từ các công trình vệ sinh trung bình là 0,04-0,07m3/người/năm; từ hệ thống thoát nước khoảng 0,146-0,365m3/người/năm. Vì thế, việc thông hút, vận tải bùn từ bể tự hoại của các hộ dân sẽ ngày càng khó khăn hơn do khó tiếp cận khu vực. Trong đó, bùn thải thường có độ ẩm cao, các phương tiện hút và vận chuyển phần lớn đã cũ lại thiếu thốn, không bảo đảm vệ sinh môi trường và không phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật cũng đang phát triển với tốc độ nhanh.

Hơn nữa, vấn đề quản lý bùn thải của chúng ta còn chưa được quan tâm đúng mức và hiện chưa có đô thị nào có biện pháp quản lý và xử lý thực sự phù hợp. Khâu XLBT chiếm phần lớn kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành các trạm XLNT, khâu thu gom cũng không được đầu tư mạnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn cả nước, chúng ta vẫn chưa có thống kê đầy đủ về khối lượng bùn thải từ hệ thống kênh mương, ao hồ để đưa ra hướng xử lý cụ thể.

PV: Theo ông, giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Ông Hoàng Dương Tùng: Việc xử lý kết hợp bùn thải từ bể tự hoại với bùn thải từ hệ thống thoát nước đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Toàn bộ chất thải từ hệ thống thoát nước và các công trình vệ sinh được tập trung về nhà máy XLNT để xử lý. Tuy nhiên, việc xây dựng, vận hành hệ thống này tốn kém và yêu cầu trình độ quản lý cao.

Ở Việt Nam, bước đầu đã áp dụng một số công nghệ XLBT có chi phí thấp. Nhiều địa phương áp dụng công nghệ tái sử dụng bùn thải để làm vật liệu xây dựng, phân bón... Ví dụ, ở Hà Nội, Trạm XLNT Yên Sở (quận Hoàng Mai) với công suất thiết kế 200.000m3/ngày, áp dụng công nghệ phân hủy kỵ khí để ổn định bùn, khí biogas được thu hồi sau đó đốt bỏ, bùn thải sau khi được “làm sạch” có thể làm vật liệu xây dựng. Hay Trạm XLNT Đà Lạt (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sản xuất phân vi sinh từ bùn sau khi khử nước và ổn định bùn (bằng sân phơi). Tuy vậy, đầu ra cho sản phẩm phân vi sinh cũng như vấn đề gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất cũng là điểm hạn chế của giải pháp này.

Trước thực trạng hiện nay, chúng ta cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển, áp dụng công nghệ mới trong XLBT hướng tới giảm tối đa việc chôn lấp. Trong đó kết hợp hai yếu tố môi trường và kinh tế để đưa ra các công nghệ thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn bảo vệ môi trường. Một trong số đó là khuyến khích áp dụng công nghệ tái sử dụng bùn thải, dùng biện pháp thu hồi nhiệt để biến thành năng lượng (có thể phục vụ chính nhà máy xử lý đó).

Các cơ quan quản lý cũng cần rà soát, cập nhật và ban hành mới các quy định có liên quan đến quản lý bùn thải. Xây dựng cơ sở dữ liệu về bùn thải cùng chính sách huy động nguồn lực tham gia đầu tư, quản lý vận hành việc thu gom, vận chuyển và XLBT. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý chất thải nói chung và bùn thải nói riêng.

LÊ HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xu-ly-bun-thai-do-thi-can-khuyen-khich-cong-nghe-tai-su-dung-573304