Xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh COVID-19

Trên không gian mạng những ngày qua lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21 (trú tại Ba Đình, TP Hà Nội), bịa đặt, xuyên tạc bệnh nhân này có 'bồ nhí, con riêng', khai báo y tế không trung thực…, thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận...

Cùng với việc xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin xuyên tạc tình hình về dịch bệnh COVID-19, ngày 13/03/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh, đấu tranh xử lý một số đối tượng đã đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21.

Điển hình như Võ Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), Doãn Thị Kim Phượng (SN 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Vân (SN 1994, trú tại Đông Anh, TP Hà Nội)…

Facebook của đối tượng Nguyễn Thị Vân đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội.

Facebook của đối tượng Nguyễn Thị Vân đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt nêu trên, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bện nhân số 21. Các đối tượng trên đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, xin gỡ bỏ bài viết trên Facebook cá nhân và cam kết không tái phạm.

Các đơn vị chức năng của Bộ Công an căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của các đối tượng để xem xét hình thức xử lý. Đồng thời, tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng tung tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thống kê của lực lượng Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan Công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những KOL (người có ảnh hưởng lớn trong xã hội).

Các đối tượng xuyên tạc, lợi dụng tình hình dịch bệnh, kêu gọi người dân không tin vào các kênh truyền thông chính thống của Việt Nam.

Các đối tượng gia tăng xuyên tạc, kích động người dân.

Theo Bộ Công an, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích bán hàng online…

Đáng chú ý, thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn USD để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh…

Trước tình hình trên, lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hà Nội: Xử lý 15 trường hợp đăng tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19

Lợi dụng diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, một số đối tượng đã tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại Hà Nội, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phối hợp với các đơn vị chức năng và Công an quận, huyện, thị xã tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng tung tin thất thiệt về dịch bệnh trên không gian mạng.

Tính riêng từ ngày 09/3 - 13/3, Công an Thành phố đã xử lý 15 trường hợp đăng tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, ngày 10/3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an quận Đống Đa xử lý trường hợp K.P.T (SN 1984; trú tại Đống Đa) có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến nữ bệnh nhân thứ 17 đã tham dự sự kiện khai trương của Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch và đến một quán bar ở Tạ Hiện trước khi đưa vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc do dương tính với Covid-19. Đây là thông tin không chính xác và gây hoang mang dư luận.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng internet của K.P.T.

Hay như trường hợp P.T.N (SN 1985; trú tại Phương Liệt, Thanh Xuân) đã đăng tải nội dung về sự biến đổi của virus corona và cách điều trị chưa kiểm chứng. Bài viết đã nhanh chóng thu hút nhiều lượt “like” và “share” của cộng đồng mạng. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an quận Thanh Xuân đã xác minh và xử lý hành vi vi phạm của P.T.N.

Công an Thành phố khuyến cáo người dân nên cập nhật thông tin liên quan đến dịch COVID-19 qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử chính thống của ngành Y tế, không chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên mạng xã hội.

Các trường hợp vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lê Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-that-ve-tin-don-benh-nhan-21-co-bo-nhi-con-rieng-n170168.html