Xử lý 'cát tặc' vẫn còn nhiều thách thức

Do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép quá lớn nên 'cát tặc' đang lén lút đẩy mạnh hoạt động tại các khu vực giáp ranh, tuyến cửa sông, cửa biển thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Các lực lượng chức năng đã 'mạnh tay' xử lý, nhưng trên thực tế, vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm không đủ sức răn đe, nên 'cát tặc'' vẫn tiếp tục 'lộng hành'.

Các tàu khai thác cát trái phép bị các đơn vị BĐBP tạm giữ ngày 19-11-2018, tại khu vực sông Soài Rạp. Ảnh: Lê Đồng

Theo đánh giá của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, tại thời điểm này, nhiều nhóm “cát tặc” đang hoạt động trở lại và có chiều hướng manh động hơn, vì giá cát trên thị trường đang ở mức rất cao. Các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn “lén lút” đưa sà lan, tàu gắn các máy bơm có công suất lớn ra vùng biển khu vực giáp ranh giữa các tỉnh để hút cát. Bên cạnh đó, chúng lợi dụng thời tiết mưa to, gió lớn, ban đêm, ngày nghỉ, giờ nghỉ của lực lượng chức năng để hoạt động.

Không những thế, các phương tiện khai thác cát trái phép còn trang bị cả ống nhòm để theo dõi, bố trí các ghe, thuyền cảnh giới lực lượng chức năng. Tinh vi hơn, các đối tượng đầu nậu thuê các phương tiện từ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh vào khai thác, vận chuyển cát trái phép, sau đó lấy hóa đơn, chứng từ ở các tỉnh, thành phố được cấp phép cho khai thác cát để hợp thức hóa các hóa đơn, chứng từ. Đáng chú ý, trong khi thực hiện việc hút cát trái phép trên cửa sông, cửa biển, các đối tượng sử dụng các tàu có trọng tải nhỏ, sau khi hút đầy thì chạy vào bờ để sang mạn lại cho các tàu có trọng tải lớn. Chúng làm như vậy để né tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi tàu chỉ cần bơm hút khoảng 2 giờ là đầy khoang tàu (khoảng 1.000m3), sau đó chạy thẳng vào bờ. Trên mỗi tàu đều trang bị 4 đến 6 máy bơm được độ chế từ các máy ô tô có công suất lớn để hút cát, mỗi máy bơm như vậy có khoảng 3 vòi chọc sâu xuống biển để hút. Thời gian hoat động của các tàu này từ 11 giờ đêm hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Các đối tượng sau khi hút cát sẽ tiêu thụ tại các công trình xây dựng. Nếu là cát nước mặn (khai thác ở biển) thì “cát tặc” phải qua công đoạn rửa mặn rồi trộn với cát nước ngọt để đưa đi tiêu thụ.

Được biết, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ đầu tháng 10-2018 đến ngày 20-11-2018), Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 5 vụ với 9 đối tượng/12 phương tiện, tang vật thu giữ hơn 6.000m3 cát các loại.

Điển hình, ngày 19-11, tại khu vực sông Soài Rạp, thuộc ấp 1, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, Đội công tác của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam phối hợp với lực lượng của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Tiền Giang cùng Đồn Biên phòng Kiểng Phước phát hiện 2 sà lan: NĐ 3342, do Tô Văn Đệ làm thuyền trưởng, đồng thời làm chủ hàng và SG 3162, do Đỗ Văn Cảnh làm thuyền trưởng, cũng là chủ hàng (cả 2 thuyền trưởng này đều trú tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), đang vận chuyển cát từ ngoài biển về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, 2 sà lan đang vận chuyển khoảng 400m3 cát. Các thuyền trưởng đều không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát nói trên. Đặc biệt, trên sà lan NĐ 3342 có 4 thuyền viên đều không có chứng chỉ chuyên môn.

Thượng tá Nguyễn Trọng Việt, Phó Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam cho biết: “Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã tăng cường lực lượng, tổ chức bố trí trinh sát theo dõi, nắm bắt thông tin, từ đó triển khai lực lượng mật phục, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các vụ việc theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, để xử lý tận gốc vấn nạn “cát tặc”, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của đơn vị thì rất cần sự phối hợp của các lực lượng chức năng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố ven biển”.

Có thể thấy, việc đấu tranh với “cát tặc” là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi các đối tượng vi phạm thường dùng đủ mọi cách để đối phó với cơ quan chức năng, như việc chọn các vùng biển giáp ranh để thực hiện hành vi vi phạm. Khi bị phát hiện, chúng bỏ chạy sang địa phận tỉnh khác, gây khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý. Việc khai thác cát trái phép từ trước đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự mà cơ quan chức năng chủ yếu tịch thu cát, hoặc xử lý hành chính. Vì vậy, cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe (như khởi tố hình sự), thì mới ngăn chặn được hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xu-ly-cat-tac-van-con-nhieu-thach-thuc/