Xử lý dầu tràn: Năng lực Việt Nam ra sao, khi nào phải 'cầu cứu' quốc tế?

Đại tá Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, chúng ta đủ khả năng xử lý sự cố tràn dầu cấp quốc gia ở mức trên 500 tấn - mức độ 3, mức độ lớn nhất.

Theo ông Định, sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 tấn; sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 tấn đến 500 tấn. Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) có lượng dầu tràn lớn hơn 500 tấn.

“Chúng ta đủ xử lý sự cố tràn dầu cấp quốc gia ở mức trên 500 tấn. 3 trung tâm xử lý sự cố tràn dầu ở Bắc- Trung- Nam của chúng tôi có thể chịu được sóng cấp 8, cấp 10, các bộ phận chắn đầu, có các trang thiết bị bơm hút. Ngoài ra, mỗi trung tâm có 5000-10.000kg chất phân tán trong việc xử lý sự cố tràn dầu”- ông Định nói.

Đại tá Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Mạnh Thắng

Đại tá Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Mạnh Thắng

Đại tá Nguyễn Sơn Định cũng thông tin thêm, hiện Ủy ban đang tham mưu với chính phủ trong công tác ứng phố tràn dầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, hệ thống văn bản của chúng ta chưa thực sự hoàn thiện. Cơ cấu tổ chức, các Bộ ngành, sự chỉ đạo với ứng phó sự cố tràn dầu vẫn chưa hoạt động thực sự hiệu quả.

Việc xây dựng các trung tâm để ứng phó hiệu quả, chứ không phải xây dựng nhiều trung tâm là đã hiệu quả. Năng lực công tác quản lý chưa chuyên sâu nắm chắc.

Trường lớp đào tạo chưa có mà chỉ tập huấn, đào tạo từ nước ngoài về qua tài liệu. Việc phối hợp ban ngành, địa phương cũng chưa hoàn thiện.

Đầu tư mua sắm các trang thiết bị địa phương mới chỉ ở mức độ giới hạn chứ chưa ở mức độ ưu tiên.

Cuối cùng, công tác tuyên truyền người dân và các cơ sở có nguy cơ tràn dầu, hiểu về các quy định trong ứng phó với nguy cơ tràn dầu mới chỉ ở giới hạn nên mức xử lý tràn dầu vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Ông Phạm Hữu Tình - Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh.

Khó khăn lớn nhất ở đâu?

Lấy từ thực tế khi xảy ra sự cố như sự cố tràn dầu từ tàu Nordana Sophia, Ông Phạm Hữu Tình - Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, do chưa thành lập Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu nên trong công tác chỉ đạo của UBND tỉnh chưa được đồng bộ, rõ ràng. Theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg, trong khi Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu chưa được thành lập thì Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh làm đầu mối chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương ứng phí sự cố tràn dầu.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tình, vừa qua việc này chưa được giao đúng theo quy định nên khó khăn trong việc huy động lực lượng, phương tiện. Thời tiết vừa qua tại vùng biển Vũng Áng diễn biến rất xấu nên triển khai công tác ứng phó sự cố tràn dầu và các công việc khác nhằm khắc phục sự cố tàu chìm gặp nhiều khó khăn. Đối với sự cố tàu Nordana Sophia xảy ra vào mùa bão lũ, nên khó khăn trong tiếp cận, xử lý sự cố.

“Chi phí cho hoạt động ứng phó tràn dầu chưa được bố trí nên vừa qua, chi phí bước đầu để huy động lực lượng, vật tư… không kịp thời và hạn chế. Về năng lực con người và trang thiết bị: Do chưa có Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh chưa phê duyệt được trang thiết bị, kinh phí đi kèm. Bên cạnh đó, con người chưa được trang bị tốt về kỹ năng thiết bị chưa được đầu tư”- ông Thắng thông thông tin/

Tuy nhiên, UBND tỉnh có thể huy động lực lượng, trang thiết bị từ các đơn vị bám biển Vũng Áng gồm Formosa, Cảng Lào-Việt, Nhiệt điện VA1 và Xăng dầu – dầu khí VA. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất lo lắng về định hướng từ báo chí.

“Hiện nay, phía chủ tàu Nordana Sophia chưa thanh toán chi phí xử lý sử cố tràn dầu. Chúng tôi cũng thống kê các chi phi về trang thiết bị, con người để sau này làm việc với chủ tàu”- ông Thắng nói.

Đại tá Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thông tin: năm 2017 có 8 sự cố tràn dầu trên biển. Riêng sự cố tàu chở hóa chất CHEMROAD JOURNEY quốc tịch Cayman Island chở 29.954 tấn bị bạn ngày 10/16 cách Nam đảo Phú Quý/ Bình Thuận khoảng 28 hải lý. Khi đó, dù chưa xảy ra tràn dầu trên biển nhưng nguy cơ rất cao. Khó khăn ở chỗ, tàu này lại có yếu tố nước ngoài. Tàu họ mua bảo hiểm bên Singapore nên nếu có sự cố tràn dầu, họ kêu gọi lực lượng ứng phó nước ngoài vào chứ không dùng lực lượng của ta.

Năm 2019, có 7 vụ sự cố tràn dầu. Tiêu biểu là sự cố tràn dầu tàu Vietsun chở 150 tấn dầu Appo bị chìm tàu ngày 19/10/2019 tại khu vực sông Lòng Tàu, Cần Giờ, TP.HCM, trên tàu có khoảng 150m3 dầu FO và 20m3 dầu Do. Nếu thải lượng dầu này ra biển thì là thảm họa với môi trường và kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam cũng chú trọng đến công tác hợp tác quốc tế để ứng phó sự cố tràn dầu, đặc biệt là ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, tuy nhiên việc hợp tác với các quốc gia còn hạn chế.

Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu với Phillipine và với Thái Lan và Campuchia; có thỏa thuận về cơ chế hợp tác trong ASEAN về ứng phó sự cố tràn dầu.

Đến nay, một số hoạt động hợp tác với Phillipine, Thái Lan, Campuchia đã được triển khai, tuy nhiên, các hoạt động hợp tác trong khu vực ASEAN vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc là quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên biển với Việt Nam và có hoạt động hàng hải dày đặc và hoạt động khai thác trên biển có nguy cơ cao gây sự cố tràn dầu, nhưng đến nay Việt Nam chưa có thỏa thuận hợp tác cụ thể nào về ứng phó sự cố tràn dầu với quốc gia này.

Bên cạnh đó, mặc dù nước ta đã là thành viên của các công ước có liên quan đến sự cố tràn dầu như Công ước quốc tế về Ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ tàu (MARPOL 73/78), Công ước và Nghị định thư về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại ô nhiễm dầu (CLC 92), tuy nhiên, Việt Nam chưa ra nhập Công ước quốc tế về Hợp tác, chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu (OPRC) và Công ước và Nghị định thư quốc tế về thiết lập Quỹ quốc tế về bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu (Công ước FUND). Công ước OPRC là điều ước quốc tế quan trọng nhất về chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu.

Việt Nam chưa là thành viên của OPRC có nghĩa là thiếu có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật tiên tiến và hợp tác với các thành viên giàu kinh nghiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu; không nhận sự hỗ trợ các quốc gia thành viên trong chuẩn bị và ưng phó sự cố tràn dầu trong những trường hợp nghiêm trọng; không tham gia hệ thống thông tin toàn cầu về ứng phó sự cố tràn dầu và hệ thống giám sát toàn cầu về sự cố tràn dầu để tăng cường năng lực và tiếp nhận thông tin kịp thời về các nguy cơ, xác nhận các nguyên nhân sự cố tràn dầu.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/xu-ly-dau-tran-nang-luc-viet-nam-ra-sao-khi-nao-phai-cau-cuu-quoc-te-1499361.tpo