Xử lý đường ngang, lối đi tự mở để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

Nhằm đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và hạn chế, không phát sinh và tiếp tới xóa bỏ lối đi tự mở, kiểm soát các đường ngang, Bộ Giao thông Vận tải đã bắt đầu triển khai thực hiện dự thảo đề án 'Xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt quốc gia'.

Chú thích ảnh: Hơn 80% các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại nơi giao cắt đường ngang đường bộ với đường sắt, lối đi tự mở dân sinh. Ảnh: Lê Minh Sơn.

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đã xảy ra hơn 1.900 vụ tai nạn giao thông đường sắt trong vòng 5 năm (2013 - 2017), làm chết 879 người, bị thương 1174 người. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2018 (từ 12-2017 đến 5-2018), trên cả nước đã xảy ra 122 vụ giao thông đường sắt, làm chết 56 người, bị thương 81 người. Một số tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn như: Hà Nội, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Định…

Đến 80% các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang. Tại thời điểm cuối tháng 6-2018, trên cả nước vẫn còn 5.719 đường giao cắt, trong đó 1.519 giao cắt hợp pháp, có gác chắn do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý. Còn lại hơn 4.200 lối đi tự mở bất hợp pháp, không có gác chắn. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ngành đường sắt và các địa phương đã nỗ lực xóa được 215 lối đi tự mở.

Các lối đi dân sinh tự phát tồn tại trên tuyến, cộng với ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn còn hạn chế là nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến đường sắt. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang, xây dựng hàng rào đường gom, hàng rào hộ lan...

Để tháo gỡ thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã bắt đầu triển khai thực hiện dự thảo đề án “Xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt quốc gia” với 7 nhóm giải pháp. Dự toán tổng kinh phí gần 7.400 tỉ đồng.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề nghị thực hiện rào ngay các lối đi tự mở mà không phải xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường gom...); đồng thời có đủ điều kiện để người và phương tiện giao thông đi theo các lối đi khác; dự kiến sẽ xoát 462 lối đi tự mở.

Với lối đi tự mở có bề rộng lớn hơn 3 m và mật độ giao thông thấp, Dự án sẽ thu hẹp còn 2 m để hạn chế phương tiện cơ giới, làm giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ngoài ra, các lối đi tự mở vào nhà hộ dân, Bộ GTVT đề nghị bố trí đất tái định cư để di dời các hộ dân này kết hợp xóa bỏ lối đi tự mở.

Với các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu, đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; các điểm nguy hiểm, cần xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ. Dự kiến sẽ giảm được 1.139 lối đi tự mở; đồng thời dự kiến xây mới 179 đường ngang, 29 hầm chui qua đường sắt, 2 cầu vượt.

Trang Nhung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xu-ly-duo-ng-ngang-lo-i-di-tu-mo-de-da-m-ba-o-an-toa-n-giao-thong-duo-ng-sa-t/