Xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém

Việc xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương kéo dài trong nhiều năm luôn là vấn đề được dư luận qua tâm. Nhiều ý kiến nhận định, mặc dù quá trình xử lý cũng đã bắt đầu có kết quả, song kết quả rất khiêm tốn và có phần 'ì ạch'. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương khẳng định rằng 12 dự án yếu kém thuộc Bộ quản lý sẽ được giải quyết dứt điểm vào năm 2020.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.

Chỉ 2/12 dự án bắt đầu có lãi

Quá trình xử lý 12 dự án nghìn tỷ của Bộ Công thương tuy đến giờ đã thu được một số kết quả nhất định, song theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, có những dự án không cần thiết phải cố, cho phá sản luôn lại hợp lý hơn và giảm nhiều nguy cơ tổn thất thêm nữa. Đơn cử, đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, một chuyên gia ngành giấy đã thẳng thắn “nên mạnh dạn cắt bỏ vì để kéo dài chỉ thêm tốn kém”.

Liên quan đến quá trình xử lý 12 dự án này, tại buổi họp báo thường kỳ được Bộ Công thương tổ chức hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) đã cho biết, đến nay đã có 2 nhà máy từng bước hoạt động hiệu quả. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng đã có lãi 147, 68 tỷ đồng. Còn dự án thứ hai là Nhà máy Thép Việt – Trung đến nay đã có lãi 527,2 tỷ đồng. Cũng theo ông Hưng, các dự án còn lại vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục xử lý. Nêu quan điểm của Bộ tại buổi họp báo, ông Hưng cũng khẳng định, mục tiêu trong năm 2018 là cơ bản giải quyết khó khăn, vướng mắc và dứt điểm vào năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý thua lỗ.

Như vậy, sau nhiều nỗ lực cố gắng trong suốt thời gian dài vừa qua, việc xử lý các dự án yếu kém của Bộ Công thương bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Song, nhiều ý kiến cho rằng, 2 năm dù được cho là có những chuyển biến tích cực, nhưng tổng dư nợ mới chỉ giảm được vỏn vẹn 124 tỷ đồng và mới chỉ có 2/12 dự án bắt đầu có được số lãi “ít ỏi”… kết quả như vậy là quá khiêm tốn. Phần lớn các dự án còn lại vẫn còn phát sinh nợ.

Báo cáo trước Quốc hội về 12 dự án yếu kém thuộc Bộ Công thương quản lý, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định: Thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án mà Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả theo một lộ trình là trong năm 2018 và năm 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện và triệt để những vấn đề tồn tại để chấm dứt hoàn toàn vào năm 2020.

Xử lý dứt điểm

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, việc xử lý 12 dự án luôn phải đảm bảo các nguyên tắc đó là: Các dự án này phải được thực hiện trong nỗ lực giải quyết tồn tại nhưng phải trong khuôn khổ của luật pháp; phải đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường, không có chuyện tiếp tục trợ cấp hoặc cấp thêm vốn từ ngân sách nhà nước; phải đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp; phải phù hợp với nội dung các cam kết hội nhập quốc tế.

Nói về 2 dự án đã khắc phục được yếu kém và hiện đã thu được những kết quả nhất định, có lãi, ông Tuấn Anh cho rằng, theo 5 tiêu chí mà Chính phủ phân công cho Bộ Xây dựng xem xét, nếu đảm bảo được yếu tố bền vững trong phát triển và khắc phục tồn tại thì có thể xem xét đưa ra khỏi danh sách.

Nói về những dự án còn lại, người đứng đầu ngành Công thương cho biết, sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Có 3 dự án liên quan đến sinh học, trong đó có dự án của Bình Phước là dự án đã khôi phục tất cả các trạng thái hoạt động thương mại và đang đợi cơ hội tham gia vào thị trường. Còn dự án Bình Sơn đang bắt đầu tham gia sản xuất và cung ứng cho xã hội các sản phẩm của mình và được chấp nhận. Dự án sinh học của Phú Thọ là nội dung phức tạp như gang thép Thái Nguyên hay giấy Phương Nam v.v...

“Có những vấn đề liên quan công nghệ, thậm chí là vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh, mức độ thì đã có sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng như các kết luận của Thanh tra Chính phủ thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật và báo cáo đầy đủ. Những nội dung này là chúng ta làm đồng bộ, toàn diện kể cả xem xét trách nhiệm về mặt pháp luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự của các cá nhân và tổ chức có liên quan” – ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Như vậy, theo như khẳng định của lãnh đạo Bộ Công thương, số phận của 12 dự án nghìn tỷ yếu kém thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ này cuối cùng cũng đã được định đoạt. Dư luận đang kỳ vọng vào những hiệu quả từ kế hoạch xử lý mà người đứng đầu ngành Công thương đã đưa ra, liệu câu chuyện về 12 dự án thua lỗ có được chính thức chấm dứt vào năm 2020? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Thái An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/xu-ly-dut-diem-12-du-an-yeu-kem-tintuc421243