Xử lý dứt điểm hồ sơ thương binh sai sót sau thanh tra

Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy vậy, quá trình triển khai, do tác động của nhiều yếu tố khách quan, dẫn đến một số bất cập nảy sinh từ thực tiễn, cần sớm nhận rõ để tháo gỡ.

Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó để lại đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Một trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực thực hiện là công tác xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh (TB-BB) còn tồn đọng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ. Bên cạnh việc xét duyệt, thẩm định, xác nhận và giải quyết chế độ, chính sách cho những trường hợp còn sót lại, liên bộ cũng tích cực thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các đối tượng làm giả hồ sơ, giấy tờ TB-BB để trục lợi.

Thực hiện chương trình phối hợp năm 2015 giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng, đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra tại 7 quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Theo báo cáo sơ bộ, hai bên đã phối hợp thanh tra gần 66.000 hồ sơ thương binh, phát hiện 11.035 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót. Qua trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự hồ sơ thuộc các quân khu 2, 4, 5, 7 đã phát hiện 1.089 hồ sơ dùng giấy tờ giả mạo; thu hồi quyết định và dừng chi trả trợ cấp 474 trường hợp thuộc các quân khu 2, 4, 7. Qua giám định tài liệu gốc, xác minh danh sách quân nhân bị thương tại các đơn vị, phát hiện 2.281 hồ sơ sai sót, kiến nghị thu hồi 194 tỷ đồng.

Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, khẳng định: Thực hiện chính sách với người có công là vấn đề cấp bách, lâu dài nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm. Nếu không thực hiện đúng, đủ với đối tượng thực sự là TB-BB, xứng đáng được hưởng chế độ sẽ gây ra bất bình, bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, với các đối tượng cố ý làm giả hồ sơ, giấy tờ TB-BB để trục lợi chính sách thì cần phải giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Theo lãnh đạo Cục Chính sách, việc thu hồi chứng nhận TB-BB; đình chỉ và thu hồi trợ cấp với các đối tượng đã có kết luận không đủ điều kiện hưởng, cần được thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ. Theo đó, ngoài thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng liên ngành cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với từng đối tượng để giải thích rõ ràng, thấu tình đạt lý. Đối tượng đồng thuận thì cùng ký vào biên bản làm việc; trường hợp có sai sót một phần thì yêu cầu bổ sung hoặc có biện pháp khác. Tuy nhiên, quá trình xử lý cần thận trọng, xem xét toàn diện, khách quan và cụ thể từng trường hợp, tạo sự đồng thuận cao, tuyệt đối tránh những sai sót do chủ quan của cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra chính sách, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, đối với hồ sơ TB-BB sai sót do quân đội xác lập, chủ yếu sai phạm là: Giấy tờ gốc giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa; trường hợp không có tên trong danh sách quân nhân bị thương ở đơn vị. Tuy nhiên, việc giám định tài liệu gốc hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan, như: Dùng giấy ra viện hoặc làm giả mạo phôi giấy chứng nhận bị thương được xác lập những năm trong chiến tranh; phông chữ trên giấy tờ xác nhận bị thương là phông chữ hiện đại mà trước năm 1980 chưa có, nhưng các cơ quan chức năng không xác định được thời điểm làm giả mạo giấy tờ. Với trường hợp thứ hai cũng gặp không ít khó khăn do các đơn vị quân đội sáp nhập, di chuyển địa điểm đóng quân nên thất lạc hồ sơ, danh sách quân nhân bị thương tại đơn vị.

Cùng với đó, trong quá trình giám định tài liệu gốc có việc tẩy xóa, sửa chữa, ông Trần Mạnh Tuấn nhận định: Với những trường hợp này, có thể bộ hồ sơ đã được cấp cho những người bị thương thực sự tại thời điểm đó. Tuy nhiên, quá trình lưu trữ tại địa phương thì bị thất thoát, dẫn đến việc các đối tượng tẩy xóa, ghi tên người khác. Sau khi giám định hơn 3.500 hồ sơ có sửa chữa, tẩy xóa, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị đình chỉ và thu hồi gần 2.000 trường hợp. Hiện có hơn 4.000 hồ sơ gốc chưa được giám định do thanh tra ngành LĐ-TB&XH đang gặp khó khăn về kinh phí; bởi theo Luật Thanh tra, đơn vị nào yêu cầu giám định kỹ thuật hình sự thì đơn vị đó phải chi trả kinh phí giám định...

ĐÔNG HẢI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xu-ly-dut-diem-ho-so-thuong-binh-sai-sot-sau-thanh-tra-550076