Xử lý dứt điểm tình trạng người lang thang, ăn xin

Thời gian qua, chính quyền các cấp nỗ lực thực hiện chương trình thành phố '5 không' mang lại những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh thành phố đáng sống. Tuy nhiên hiện nay, xuất hiện tình trạng một số đối tượng lang thang, ăn xin, trong đó có đối tượng đã bị chính quyền địa phương xử lý theo quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm. Người dân đề nghị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng này, tránh gây bức xúc cho người dân.

Có tình trạng người đi ăn xin tại đường Ông Ích khiêm, phường Vĩnh Trung. Ảnh: KHÁNH HUYỀN

Đơn cử, tại phường Nam Dương (quận Hải Châu), trên tuyến đường Nguyễn Hoàng, cứ vào khoảng 16 giờ đến 17 giờ hằng ngày, xuất hiện một cụ bà ngồi ngả nón xin tiền người đi đường. Điều đáng nói, bà cụ này được một đối tượng chở đến ngồi tại vị trí ngay hệ thống đèn xanh, đèn đỏ. Người dân kiến nghị chính quyền địa phương điều tra, xác minh đối tượng có phải bị chăn dắt ăn xin trên địa bàn hay không?

Ông Phạm Văn Năm, trú trên đường Nguyễn Hoàng cho biết, nhiều năm qua, thành phố thực hiện chương trình “5 không”, trong đó có “không có người lang thang ăn xin” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, người dân thường xuyên thấy một bà cụ khoảng 70 tuổi, đến ngồi xin tiền đối diện quán cà phê số nhà 165, đường Nguyễn Hoàng.

Chia sẻ về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Dương Lưu Văn Phong thông tin, qua tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, căn cứ Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ và Quyết định 2684/ QĐ-UBND ngày 13-10-2022 của Chủ tịch UBND thành phố. Ngày 5-3, UBND phường phối hợp công an phường đã tiến hành lập biên bản và chuyển bà Thái Thị Phận đến Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố để quản lý, chăm sóc. Điều đáng nói, đây là lần thứ 2 UBND phường xử lý trường hợp bà Phận. Và cứ sau mỗi lần xử lý đưa về cơ sở quản lý chăm sóc, bà Phận lại yêu cầu con, cháu bảo lãnh cho bà về nhà. UBND phường đề nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý thật nghiêm tình trạng này.

Ông Phong khẳng định thêm, chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, nhưng chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng lang thang, ăn xin trên địa bàn. Đa phần người ăn xin không phải là người sinh sống ở địa phương mà từ những vùng lân cận đến. Năm 2023, phường đã phát hiện và xử lý 4 đối tượng lang thang, ăn xin trên địa bàn. Vào các ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch hằng tháng, tại chùa Bát Nhã, Pháp Lâm các đối tượng thường lợi dụng lòng tốt của người dân để hoạt động. Do đó, lãnh đạo phường cử cán bộ luân phiên túc trực tại chùa để xử lý tình trạng nêu trên. Bên cạnh việc tuyên truyền, UBND phường khuyến khích người dân thay vì cho tiền, khi phát hiện người ăn xin, lang thang nên tích cực thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

Tình trạng tương tự diễn ra tại đường Ông Ích Khiêm, phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê). Ông Lê Khanh, trú tại đường Ông Ích Khiêm cho biết, theo quy định của Luật Trẻ em, việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Thế nhưng, gần đây khu vực đường Ông Ích Khiêm có một phụ nữ to khỏe, bế một trẻ nhỏ ngồi bên đường vừa bán vé số vừa xin tiền.

Liên quan đến tình trạng này, lãnh đạo UBND phường Vĩnh Trung cho biết, tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên, lãnh đạo phường phối hợp công an phường kiểm tra, theo dõi và tổ chức xử lý theo quy định các đối tượng trên nhằm hạn chế tái diễn tình trạng lang thang, ăn xin trên địa bàn.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, đường Ông Ích Khiêm, khu vực nằm đối diện chợ Cồn, tuyến đường thu hút nhiều khách tham quan du lịch và nhiều phương tiện lưu thông qua lại. Tại thời điểm phóng viên có mặt, trời nắng nhưng người phụ nữ vẫn bế trên tay một trẻ nhỏ tuổi không che chắn gì.

Bàn về giải pháp xử lý tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho biết, trước tình trạng người ăn xin, ăn xin biến tướng, thời gian đến, UBND quận phối hợp các UBND các phường trên địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp với Tổ xử lý thông tin người lang thang, ăn xin (Tổ 550) để xử lý. Đồng thời, UBND các phường cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng lang thang, ăn xin, để họ có nhận thức đúng, không đi lang thang, ăn xin, tích cực lao động, sản xuất để có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh và bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5428/202403/xu-ly-dut-diem-tinh-trang-nguoi-lang-thang-an-xin-3967671/