Xử lý gần 4.500 vụ đầu cơ, nâng giá bán khẩu trang

Ngày 16/2/2020, lực lượng Quản lý thị trường cả nước tiếp tục xử phạt nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh thiết bị y tế có sai phạm, đặc biệt về khẩu trang y tế. Tính từ ngày 31/1 đến ngày 16/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát và xử lý 4.495 vụ.

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, ngày 16/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 76 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, xử lý 13 cơ sở bán khẩu trang không chứng từ, số tiền xử phạt hơn 9,2 triệu đồng.

Như vậy, tính từ ngày 31/1 đến ngày 16/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát và xử lý 4.495 vụ.

 Tính từ ngày 31/1 đến ngày 16/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát và xử lý 4.495 vụ đầu cơ, nâng giá bán khẩu trang, khẩu trang không chứng từ, nguồn gốc

Tính từ ngày 31/1 đến ngày 16/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát và xử lý 4.495 vụ đầu cơ, nâng giá bán khẩu trang, khẩu trang không chứng từ, nguồn gốc

Một số vụ kiểm tra, xử lý mới nhất như, ngày 15/2, Đội QLTT số 14, Cục QLTT Tp. Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất thiết bị y tế Cửu Long, địa chỉ tại số 188/16 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 7.500 chiếc khẩu trang không bao bì, không có nhãn hàng hóa, chưa có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định.

Cùng ngày, Đội QLTT số 14 tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an phường Tân Quý, quận Tân Phú kiểm tra Công ty TNHH Một Thành viên thương mại dịch vụ Đức Việt, địa chỉ tại số 115 đường Nguyễn Cửu Đàm, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, do bà Đỗ Tuyết Trinh là Giám đốc.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sơ đang chứa lượng lớn khẩu trang và vỏ hộp khẩu trang.

Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện104.820 khẩu trang 3 lớp được chứa trong 42 thùng giấy có nhãn ghi nội dung: Khang Việt; Khẩu trang 03 lớp; ISO 9001: 2015; Sản xuất tại: Công ty CP SX & XNK Thiết bị y tế Khang Việt; địa chỉ: 147A đường tỉnh lộ 830, ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; MST: 1101931818.

Đồng thời, phát hiện 2.194 vỏ hộp có nhãn ghi nội dung: Khẩu trang kháng khuẩn Khang Việt 4 lớp; 50 cái; Công ty CP SX & XNK Thiết bị y tế Khang Việt, sản xuất tại: 147A đường tỉnh lộ 830, ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; MST: 1101931818; tính năng; ứng dụng; hướng dẫn; thành phần; sản xuất tại Việt Nam; NSX; HSD.

Do số khẩu trang nêu trên có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về hàng hóa (không có thông số kỹ thuật; tháng sản xuất; hạn sử dụng) và Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị y tế Khang Việt chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm khẩu trang theo quy định, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số khẩu trang nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế nên xảy ra tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế trên cả nước

Tại Hà Nội, hôm nay, 16/2, Cục QLTT Hà Nội cho biết, Cục đang phối hợp với Công an quận Đống Đa (Hà Nội) xử lý hai vụ gom hơn 77.000 chiếc khẩu trang bán giá cao nhiều lần.

Cụ thể, trước đó, ngày 13/2, hai cơ quan chức năng đã kiểm tra ô tô biển kiểm soát 98C-18660 đang đỗ tại số 50 Phố Vọng, phường Phương Mai, quận Đống Đa phát hiện hàng hóa trong 5 thùng giấy trên xe gồm 12.500 chiếc khẩu trang.

Bước đầu chủ lô hàng đã xuất trình được giấy tờ, hóa đơn của lô hàng, tuy nhiên người này cũng thừa nhận gom hàng, bán giá cao nhiều lần bình thường.

Cùng ngày, tổ công tác cũng tiến hành kiểm tra một điểm tập kết hàng hóa ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội và tạm giữ 26 thùng chứa 65.000 chiếc khẩu trang y tế loại 3, 4 lớp do các cơ sở trong nước sản xuất. Chủ lô hàng là Dương Văn V. ở Hoài Đức xuất trình được các hóa đơn chứng từ của hàng hóa.

Công an quận Đống Đa làm rõ, cả 2 trường hợp trên chủ lô hàng đều mua khẩu trang với giá 50.000- 60.000 đồng/ hộp và bán chênh 300.000 đồng- 350.000 đồng/ hộp/ loại 50 chiếc. Căn cứ tài liệu trinh sát và lời khai của chủ lô hàng, Công an quận Đống Đa xác định, có hành vi gom hàng tăng giá bất hợp lý.

Hiện nay, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tăng cao. Báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho biết, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế nên xảy ra tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế.

Cục QLTT các tỉnh, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định để sớm đưa số khẩu trang đã tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.

Hạ An

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xu-ly-gan-4500-vu-dau-co-nang-gia-ban-khau-trang-68862.htm