Xử lý gian lận xuất xứ: Cần có quy định đầy đủ và rõ ràng

Theo chuyên gia, khi chưa có hoặc chưa đủ rõ các quy định pháp lý khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện và các cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc xử lý.

(Từ trái qua phải) Ông Âu Anh Tuấn - Ông Chu Thắng Trung - TS. Vũ Tiến Lộc

Thời gian qua, Việt Nam phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ trong cả hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tiêu thụ trong nước.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, phát hiện nhiều vụ việc giả mạo xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Còn đối với thị trường nội địa, nhiều vụ việc hàng hóa "Made in Vietnam" đang gây tranh cãi trong thời gian vừa qua, điển hình như vụ việc Asanzo.

Tuy nhiên, điểm chung trong các vụ việc này là sự khó khăn cho công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm do thiếu hệ thống quy định đầy đủ và rõ ràng. BizLIVE đã có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia quanh vấn đề này.

PHÁT HIỆN DOANH NGHIỆP FDI CŨNG CÓ DẤU HIỆU GIAN LẬN XUẤT XỨ

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan

Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định ghi nhãn hàng hóa nhưng cho phép bổ sung sau, do đó, phần lớn doanh nghiệp không ghi nhãn "Made in Vietnam" mà sau khi khai báo sau mới bổ sung gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Đồng thời, Nghị định này cũng không áp dụng với hàng hóa xuất khẩu nên việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu còn nhiều kẽ hở.

Kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp FDI cũng đã có dấu hiệu lợi dụng Việt Nam là điểm trung chuyển để nhập khẩu hàng hóa về thay nhãn mác và xuất khẩu đi nước thứ ba.

Hai là, thành lập các nhà máy nhưng không thực hiện gia công sâu mà chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản và sau đó xuất khẩu để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia khác đang áp dụng với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở lên gay gắt.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ XUẤT XỨ VẪN CÓ KẼ HỞ

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương

Việc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ không yêu cầu C/O khi nhập khẩu khiến các cơ quan bị động trong việc quản lý. Đối với những trường hợp như vậy, cho dù chúng ta có thặt chặt công tác quản lý xuất xứ thì việc xuất khẩu sang quốc gia khác vẫn có kẽ hở.

Các hành vi gian lận xuất xứ chỉ là các hành vi cá biệt, tuy nhiên nó cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ việc gian lận thương mại không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính hay giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hợp tác rất tích cực với cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để phát hiện và xử lý những hành vi gian lận thương mại.

CẦN BAN HÀNH SỚM QUY ĐỊNH VỀ NHÃN MÁC VÀ XUẤT XỨ

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Điều rất quan trọng là Nhà nước phải có những quy định rành mạch và rõ ràng về việc sử dụng nhãn mác với hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ở Việt Nam. Trên cơ sở pháp luật đó, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ.

Còn hiện nay, các quy định của chúng ta về nhãn mác được ghi để tiêu thụ trên thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ rõ ràng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc tuân thủ của doanh nghiệp.

Đối với rất nhiều doanh nghiệp, chưa thể kết tội họ vi phạm xuất xứ bởi bản thân khuôn khổ pháp lý của chúng ta. Việc chưa có hoặc chưa đủ rõ các quy định pháp lý về vấn đề này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện và các cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc xử lý.

Nguyên tắc, khi kết tội người dân và doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì phải có quy định pháp luật về việc đó và quy định phải đủ rõ ràng. Còn trong trường hợp pháp luật chưa đủ rõ ràng thì rất khó để kết tội người dân và doanh nghiệp.

VCCI đề nghị phải ban hành sớm quy định về ghi nhãn mác và yêu cầu xuất xứ trong kinh doanh nội địa của Việt Nam và trên cơ sở đó, chúng ta hướng các doanh nghiệp tuân thủ các quy định đó và khi ấy chúng ta mới có thể xử phạt những sai phạm của doanh nghiệp.

Những vấn đề xuất hiện trong thời gian gần đây như Asanzo hay các vụ việc khác, tôi cho rằng vấn đề không chỉ của riêng Asanzo mà còn của nhiều doanh nghiệp khác. Nếu xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính đáng của hàng loạt doanh nghiệp khác.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/xu-ly-gian-lan-xuat-xu-can-co-quy-dinh-day-du-va-ro-rang-3527519.html