Xử lý hiệu quả rơm rạ sau mùa thu hoạch

Những ngày nắng nóng, người dân vùng ngoại thành Hà Nội đốt rơm sau khi thu hoạch vụ lúa đông – xuân, càng làm không khí trở nên ngột ngạt. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người nông dân đốt khoảng 352 nghìn tấn rơm rạ và phụ phẩm trên cánh đồng. Thành phố đang từng bước khắc phục tình trạng này bằng cách hướng dẫn người dân sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, phát động phong trào 'Cánh đồng không đốt rơm rạ'.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân xã Thọ Xuân, huyện Ðan Phượng sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ. Ảnh: Văn Minh

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân xã Thọ Xuân, huyện Ðan Phượng sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ. Ảnh: Văn Minh

Những ngày nắng nóng, người dân vùng ngoại thành Hà Nội đốt rơm sau khi thu hoạch vụ lúa đông – xuân, càng làm không khí trở nên ngột ngạt. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người nông dân đốt khoảng 352 nghìn tấn rơm rạ và phụ phẩm trên cánh đồng. Thành phố đang từng bước khắc phục tình trạng này bằng cách hướng dẫn người dân sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, phát động phong trào "Cánh đồng không đốt rơm rạ".

Đầu tháng 6, khi thời tiết bắt đầu nóng nực, cũng là lúc người nông dân vào vụ thu hoạch đông - xuân. Cứ chiều đến, nhiều người dồn rơm rạ lại một góc ruộng để đốt. Ở vùng xa trung tâm, mật độ dân cư thưa, khói rơm có thể khuếch tán vào không khí, nhưng ở khu vực ven nội đô, hoặc các quận mới, việc người dân đốt rơm rạ khiến bầu không khí trở nên đặc quánh, khói bụi mù mịt. Nhất là ở một số quận, huyện như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Ðức, Thanh Oai, Quốc Oai, Ðông Anh, Sóc Sơn..., việc đốt rơm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Bà Nguyễn Thị Tuyết - xã Xuân Canh (huyện Ðông Anh) cho biết: "Trước đây rơm rạ thường dùng để ủ phân, hoặc đun nấu. Bây giờ dùng phân hóa học, đun bếp ga, bếp điện, người dân không biết phải vứt rơm rạ đi đâu. Chúng tôi đành phải đốt, tiện thể lấy tro bón ruộng". Không chỉ gây cảm giác khó chịu, các khí thải sinh ra trong quá trình đốt rơm rạ còn gây tác hại lâu dài đến môi trường; gây lãng phí một lượng lớn nhiên liệu. Nhiều con đường lúc chập tối mờ mịt khói rơm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát sinh hơn một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Khoảng một phần ba trong số đó phải đốt bỏ, tương đương khoảng 352 nghìn tấn. Vì lý do này, thời gian qua, các sở, ngành của Hà Nội đã từng bước tìm biện pháp khắc phục. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, xây dựng các mô hình tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất, hạn chế đốt rơm rạ. Tính riêng trong năm 2016, trung tâm đã xây dựng 11 mô hình tăng vụ khoai tây trên đất hai vụ lúa ở 11 huyện. Với mô hình này, người nông dân phải làm đất một cách tối thiểu, sau đó, phủ rơm, rạ lên trên, tận dụng được một khối lượng khá lớn rơm rạ. Việc triển khai mô hình đã thu hút 1.413 hộ tham gia. Từ đó, tận dụng lượng lớn rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, ước tính khoảng 2.500 tấn rơm vào việc che phủ. Ðáng chú ý, lượng rơm rạ sau khi che phủ cho khoai bị phân hủy đã bổ sung đáng kể chất hữu cơ cho đất, giúp nông dân giảm lượng phân bón hóa học trong canh tác, giảm ô nhiễm không khí. Từ thành công của mô hình này, một số địa phương khác đang học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng.

Cùng với đó, các sở, ngành của Hà Nội có nhiều biện pháp xúc tiến xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng các chế phẩm sinh học và vận động người dân không đốt rơm rạ. Ðầu tháng 6, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Hội Nông dân thành phố tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn xử lý rơm rạ sau thu hoạch và ký cam kết thực hiện chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ" với 100 hộ dân xã Thọ Xuân (huyện Ðan Phượng). Người dân được cung cấp miễn phí chế phẩm sinh học, hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ. Cụ thể, rơm rạ sau khi thu hoạch được giữ lại, trộn và ủ với chế phẩm sinh học. Dưới tác động của các vi sinh vật hữu ích trong chế phẩm, quá trình phân giải các chất trong rơm rạ được đẩy nhanh, cải thiện độ màu mỡ của đất. Qua đó, giúp các loại cây trồng phát triển tốt, năng suất tăng từ 10 đến 15%.

Mặc dù các mô hình trồng nấm, trồng khoai tây... sử dụng rơm rạ hay chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ" mới được thực hiện trên một phạm vi chưa rộng, nhưng cách làm này đem lại hiệu quả rõ ràng và bước đầu được người dân ủng hộ. Các biện pháp này cần được tiếp tục phổ biến, nhân rộng, làm thay đổi nhận thức của người dân, để tận dụng phế phẩm nông nghiệp cũng như chấm dứt tình trạng sau mỗi mùa thu hoạch là một mùa "hun khói".

NHÃ PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33207702-xu-ly-hieu-qua-rom-ra-sau-mua-thu-hoach.html