Xử lý mang tính nhân văn

Một cựu du học sinh Australia tâm huyết với GD Việt Nam, sau một thời gian triển khai các dự án cộng đồng tại quê hương đã chia sẻ về việc mình mắc lỗi khi làm việc với những HS THPT không lắng nghe và không cố gắng thấu hiểu. Cựu du học sinh này rút ra kết luận là đừng áp đặt suy nghĩ người lớn lên HS, để mặc định cho rằng các em có sức chịu đựng, có bản lĩnh vượt qua những cám dỗ, cú vấp cuộc đời.

Gian lận điểm thi ở Hà Giang. Ảnh tư liệu

Câu chuyện kể về một đợt triển khai công tác xã hội, thiện nguyện tại Hà Giang. Nữ chuyên gia làm việc với một nhóm tình nguyện viên là HS THPT. Đa số các em đều nhiệt tình tham gia nhưng có một vài HS do gia đình không đồng tình với việc con em “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên đã gây sức ép để các con dừng tham gia hoạt động này.

Nữ chuyên gia GD đã trực tiếp trao đổi với HS, cố gắng phân tích cho các em thấy bản thân phải có trách nhiệm giải thích để bố mẹ hiểu về công việc của mình, đừng nghĩ sai lệch như vậy. Không ngờ, một HS đã rất gay gắt phản biện lại. Em cho rằng, bố mẹ đã rất vất vả để nuôi lớn em đến bây giờ, cho em cuộc sống đầy đủ với mong ước em có một tương lai ổn định. Đôi lúc bố mẹ thể hiện tình yêu, kỳ vọng với con cái không phù hợp khiến em khó chịu, nhưng là con cái, em không thể nói ra những lời dạy dỗ bố mẹ thế này là đúng, thế kia là sai. Em không đành lòng phủi đi ước mơ của bố mẹ về con cái… “Chị nói thế hóa ra bảo em bất hiếu với bố mẹ sao?” - cậu bé bức xúc hỏi ngược lại.

Nữ chuyên gia đã vô cùng sửng sốt trước lý lẽ của nam sinh. Đêm đó, nghĩ về những gì cậu bé nói, chị choàng tỉnh. Đừng nghĩ đơn giản rằng con cái phải đấu tranh với bố mẹ để giành phần thắng cho lẽ phải, cho sự công bằng, các em cũng có những trăn trở về trách nhiệm của đạo làm con. Nhìn ở một góc độ nào đó, phải thấy mừng vì đó là những người con có hiếu, hết mực kính yêu cha mẹ mình.

Liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương, Bộ Công an đã tiến hành điều tra chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và chất lượng. Kết quả này đã được thông báo cho Bộ GD&ĐT và các bên liên quan. Việc có công bố danh tính các thí sinh hay không hiện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong số thí sinh được nâng điểm, chắc hẳn có HS biết rõ điểm số không đúng với thực lực và bài thi của mình. Câu hỏi đặt ra: Tại sao các em không từ chối? Ngẫm từ chính bản thân mỗi người, nếu nhận kết quả cao, trước “ước mơ tương lai” của bố mẹ, liệu có dễ dàng lắc đầu không nhận? Trong trường hợp này, cũng lại là cái sai của người lớn khi gây áp lực cho con cái. Thực tế cho thấy để ra quyết định từ chối nhận một thứ gì đó không phải của mình, không ít người đầu hai thứ tóc còn gật đầu thỏa hiệp trước sức hấp dẫn của mối lợi.

Trước đây, từng có nhiều ý kiến về việc công khai điểm thi vào lớp 10. Có nhiều sự vụ vì điểm thấp mà HS bỏ nhà ra đi, có em suy nghĩ tiêu cực tự tử, bị tổn thương về tâm lý, xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm. Chưa nói đến việc nhân danh danh tính HS để tấn công người lớn có thể khiến các em bị lợi dụng để nhục mạ và gây sức ép công khai trên mạng xã hội. Đòi hỏi sự minh bạch, công bằng là rất đúng. Tuy nhiên, việc xử lý cần mang tính nhân văn. Việc công khai danh tính các thí sinh có liên quan đến gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương có thể dẫn đến hậu quả rất nặng nề; nhất là khi các thí sinh đang ở độ tuổi rất nhạy cảm; trong khi lỗi chính lại là ở người lớn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/xu-ly-mang-tinh-nhan-van-3993439-b.html