Xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông

Thời gian qua, tình hình các đối tượng phạm tội chống người thi hành công vụ trên phạm vi toàn quốc có nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên tình trạng chống đối, tiến công lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Thực trạng nêu trên đòi hỏi cần có những biện pháp linh hoạt, cứng rắn và có chế tài đủ sức răn đe.

Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay, toàn quốc xảy ra 72 vụ chống lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, làm hai đồng chí hy sinh, 27 đồng chí bị thương. Lực lượng CSGT không chỉ làm công tác chuyên môn là bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà còn tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trên mọi lĩnh vực như hình sự, ma túy, tội phạm bị truy nã... Bởi vậy, việc phải đối mặt với những đối tượng cứng đầu và nguy cơ là nạn nhân của các vụ chống người thi hành công vụ càng lớn. Mới đây, chiều tối ngày 26-7, Tổ công tác gồm lực lượng CSGT và Cảnh sát cơ động của Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại đường Trần Phú, thuộc phường Văn Quán, quận Hà Ðông (Hà Nội). Khi phát hiện người phụ nữ điều khiển xe máy chở phía sau hai người không đội mũ bảo hiểm, Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, khi Tổ công tác đang làm việc với người phụ nữ, người đàn ông đi cùng đã nhặt cục bê-tông lớn bên đường và bất ngờ đập vào đầu Ðại úy Mai Hồng Sơn, Ðội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội) khiến Ðại úy Sơn bị thương tích nặng, chảy nhiều máu ở vùng đầu, được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Ðông. Qua điều tra, xác định đối tượng tiến công CSGT là Nguyễn Quang Hùng, sinh năm 1965, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Ðông, từng có tiền án về tội cướp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy.

Tháng 6-2019, Công an quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã khởi tố, bắt giam Trần Minh Vương, cùng một số đồng phạm để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Theo điều tra, trong khi Tổ tuần tra CSGT Công an quận Thốt Nốt làm nhiệm vụ trên quốc lộ phát hiện Vương cùng năm người bạn có biểu hiện nghi vấn cho nên yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Khi dừng xe, Vương tự xưng là "cảnh sát hình sự", lớn tiếng chửi bới, thách thức lực lượng CSGT và không cho kiểm tra hành chính. Ðối tượng này cùng nhóm bạn còn xông vào tiến công những CSGT đang làm nhiệm vụ. Lực lượng Cảnh sát 113 đã đến hiện trường khống chế Vương và đồng bọn, đưa về trụ sở cơ quan điều tra.

Qua phân tích các vụ chống lực lượng CSGT cho thấy, mức độ vi phạm diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất côn đồ, hung hãn, liều lĩnh, bất chấp hậu quả của các đối tượng ngày càng tăng lên. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn cản việc bị xử lý, chạy trốn khi bị bắt giữ mà còn ngang nhiên khiêu khích, thách thức, đe dọa lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp, sau khi bị bắt giữ, xử lý, đối tượng liền kêu gọi bạn bè, các đối tượng xấu tổ chức thành nhóm mang theo vũ khí, lên kế hoạch tiến công lại lực lượng CSGT để trả thù. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chống người thi hành công vụ là do một bộ phận người dân thiếu hiểu biết pháp luật, dễ bị kích động, tâm lý đám đông lôi kéo tham gia dẫn tới các vụ chống đối. Mặt khác, quy định về hình phạt đối với tội phạm chống người thi hành công vụ chưa thật sự nghiêm khắc. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là thanh thiếu niên còn nhiều bất cập, việc xây dựng phong trào người dân cùng tham gia hỗ trợ lực lượng CSGT giải quyết các vụ việc chống đối trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa thật sự hiệu quả. Cũng phải kể đến tình trạng nhận thức, năng lực, trình độ nghiệp vụ, pháp luật của một số cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, tác phong không đúng mực và thiếu tôn trọng người dân hoặc có hành vi gây phản cảm. Công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, chiến sĩ sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại công an một số đơn vị, địa phương còn kém hiệu quả và chưa sát tình hình thực tế.

Theo Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn, tình trạng chống lại lực lượng CSGT phần nhiều do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn kém. Chính vì vậy, ngoài xử lý trực tiếp trên đường thì phải truy đến cùng các vụ vi phạm để phạt nguội đối tượng. Hiện nay, việc phạt nguội mới dừng ở mức độ thông báo, vẫn còn nhiều trường hợp chưa chấp hành, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của việc xử phạt. Lực lượng CSGT phải phối hợp với các lực lượng khác để xử phạt triệt để đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần tính toán, xử lý nghiêm hành vi chống CSGT để răn đe đối tượng, tạo dư luận lên án hành vi chống người thi hành công vụ, giữ gìn trật tự, kỷ cương. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Cục CSGT nghiên cứu trang bị đầy đủ các trang thiết bị cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác, nhất là trang bị cho lực lượng ở cơ sở. Mặc dù đã nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) nhưng vẫn xảy ra những vụ tai nạn giao thông hết sức đau lòng. Vì vậy, lực lượng CSGT cần tập trung xử lý nhóm hành vi vi phạm, gây nguy hiểm cho xã hội và cho chính CSGT như sử dụng ma túy, rượu bia khi tham gia giao thông; vượt quá tốc độ quy định. Mục tiêu cao nhất là làm giảm tai nạn giao thông. Ðồng chí Thứ trưởng cũng lưu ý đến việc cần chấn chỉnh những hạn chế, xử lý nghiêm các vi phạm của chính lực lượng CSGT, không bao che, dung túng sai phạm. Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho lực lượng CSGT, nhất là lực lượng CSGT cấp huyện để cán bộ, chiến sĩ CSGT có kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống thực tế.

LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41205102-xu-ly-nghiem-hanh-vi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-khi-tham-gia-giao-thong.html