Xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, sỏi vượt phép

Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua, Công ty TNHH Hùng Yến và Công ty cổ phần khai khoáng Sahara tiến hành khai thác cát, sỏi rầm rộ không đúng quy định trên sông Đà, đoạn thuộc địa phận hai xã Hợp Thành và Hợp Thịnh (Kỳ Sơn, Hòa Bình), gây tiếng ồn, nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực, khiến nhân dân bức xúc. Người dân kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình quyết liệt xử lý để các hộ dân yên tâm sinh sống.

Thi nhau khai thác cát, sỏi trái phép

Theo các hộ dân trên địa bàn hai xã Hợp Thành và Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) phản ánh, từ tháng 4-2017 đến nay, hai công ty khai thác cát, sỏi trên dòng sông Đà với số lượng lớn đã khiến cho các gia đình sống giáp bờ sông lo lắng, sinh hoạt đảo lộn vì tiếng ồn và nguy cơ sạt lở. Nhân dân và chính quyền cấp xã tổ chức họp và có văn bản kiến nghị lên UBND huyện Kỳ Sơn, nhưng tình hình vẫn không tiến triển.

Có mặt tại hiện trường vào lúc 9 giờ 35 phút ngày 16-5, chúng tôi quan sát thấy các tàu “ăn cát” vẫn đang vào ra tấp nập. Tiếng máy múc, máy nổ inh tai cả khoảng không gian rộng lớn. Theo quan sát, có khoảng vài chục tàu múc cát, sỏi chứ không chỉ vài chiếc như các công ty đăng ký trong giấy phép. Nhiều tàu không đánh số tàu, không mang biển tên công ty.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, xóm Tân Lập, xã Hợp Thịnh cho biết: "Thời gian vừa qua, họ khai thác với khối lượng lớn suốt ngày đêm khiến nhân dân sống bên bờ sông bị ảnh hưởng. Chúng tôi lo lắng lắm, nếu tình trạng cứ tiếp tục diễn ra như thế này mà các cơ quan quản lý không vào cuộc quyết liệt thì nguy cơ khả năng sạt lở, làm mất nhà cửa của các hộ dân chúng tôi là điều khó tránh khỏi". Chưa kể, với giấy phép khai thác cấp cho hai công ty kéo dài hơn 20 năm, trong khi phía trên thượng nguồn sông đã bị chặn dòng chảy bởi có Nhà máy thủy điện Hòa Bình (vị trí chỉ cách chỗ khai thác cát, sỏi khoảng 20 km) việc cứ múc sâu xuống dưới lòng sông quá mức cho phép nhiều năm như vậy, rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở.

Chính quyền chưa xử lý quyết liệt

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi đã thành lập hẳn một chốt chia thành hai tổ tại khu vực đó để quản lý. Tuy nhiên, thẩm quyền của lực lượng CSGT đường thủy chỉ được phép xử lý các sai phạm liên quan đến phương tiện, đăng kiểm, vận tải đã hợp pháp chưa, chứ không được phép vào khu vực khai thác để đếm tàu hay kiểm tra về khối lượng và xử lý các vi phạm khác... Vừa qua, chúng tôi cũng tăng cường xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa: ngày 14-5, phạt một trường hợp 7,5 triệu đồng vì không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định, không có bằng thuyền trưởng hạng II; ngày 16-5, phạt một tàu ba triệu đồng do thuyền trưởng và bằng vận hành máy không phù hợp loại phương tiện theo quy định”.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Sơn Đinh Trọng Tuấn chia sẻ: "Chúng tôi đã có hai văn bản báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh về tình trạng trên. Tuy nhiên, cho đến ngày 15-5 vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra hai công ty vẫn có số tàu khai thác vượt hàng chục tàu so với quy định. Với thẩm quyền cấp huyện chúng tôi có những cái khó là khi phát hiện vi phạm thì báo cáo lên cấp tỉnh chứ không được quyền xử lý vi phạm. Khi đi kiểm tra cũng chỉ đứng trên bờ sông nhìn xuống để đếm tàu chứ không có phương tiện để ra giữa dòng sông. Anh em trong phòng gọi cho đại diện công ty để làm việc thì họ cũng không phối hợp".

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Hoàng Văn Minh cho biết, nếu hai doanh nghiệp khai thác cát tiếp tục chây ỳ, không thực hiện nghiêm túc theo quy định, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác. Ngày 5-5, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với hai công ty trên, mỗi công ty bị phạt 50 triệu đồng về việc không thực hiện cắm mốc đúng quy cách theo vị trí, tọa độ.

Ngày 8-5, Tổ công tác liên ngành của tỉnh, do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình Nguyễn Trần Anh làm Tổ phó thường trực đã ban hành văn bản gửi hai công ty, trong đó có nội dung: Thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; chỉ được khai thác trong phạm vi, ranh giới, công suất, trữ lượng đã được cấp phép; hoạt động khai thác phải bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân chung quanh khu vực...; thực hiện việc đăng ký phương tiện tàu thuyền khai thác đúng quy định; nghiêm cấm khai thác vào ban đêm (thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau). Trong quá trình khai thác mà có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Nếu không chấp hành các quy định hoặc tái phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.

Ngày 17-5, UBND tỉnh Hòa Bình có công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các ngành liên quan kiểm tra, xác minh việc khai thác cát, sỏi của hai công ty nêu trên, xử lý theo quy định hiện hành và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 25-5.

Với sự việc trên, việc chỉ đạo tăng cường, giám sát từ cấp xã, huyện đến các sở, ngành chức năng liên quan đã rõ ràng. Tuy nhiên thực trạng hai công ty nêu trên vẫn phớt lờ và tiếp tục tái diễn vi phạm, số tàu hoạt động trên khu vực khai thác vẫn nhiều hơn quy định cho thấy, Công ty TNHH Hùng Yến và Công ty cổ phần khai khoáng Sahara đang coi thường kỷ cương pháp luật. Tin rằng UBND tỉnh Hòa Bình sẽ sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/32921502-xu-ly-nghiem-hanh-vi-khai-thac-cat-soi-vuot-phep.html