Xử lý nghiêm hành vi mua bán, thu gom, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

Tỏ ra khá dè dặt, anh L.Đ.V, một công nhân tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cho biết do khó khăn, 'bí quá làm liều' anh đã mang sổ đi cầm tại một tiệm cầm đồ tại phường Tân Tạo. Sau khi kiểm tra sổ BHXH, chủ tiệm cầm đồ báo lãi suất là 150 ngàn đồng/triệu đồng/tháng. Dù biết lãi suất như vậy là quá cao nhưng do quá khó khăn nên anh buộc phải chấp nhận.

Cứ nghĩ được lấy đủ số tiền là 3 triệu đồng như thỏa thuận nhưng chủ tiệm cầm đồ chỉ đưa cho anh L.Đ.V 2.550.000 đồng, còn 450.000 đồng trừ vào tiền lãi hằng tháng… Nếu người vay số tiền lớn hơn thì chủ tiệm sẽ yêu cầu người vay phải ký giấy ủy quyền nhận BHXH một lần nếu không trả đúng hạn gốc và lãi đã vay…

Có rất nhiều nhóm “Hỗ trợ thanh lý sổ BHXH; hỗ trợ cầm + thanh lý BHXH”… trên mạng xã hội, với đông đảo thành viên lên đến chục ngàn người.

Có rất nhiều nhóm “Hỗ trợ thanh lý sổ BHXH; hỗ trợ cầm + thanh lý BHXH”… trên mạng xã hội, với đông đảo thành viên lên đến chục ngàn người.

Hiện nay tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh tiếp giáp như Bình Dương, Đồng Nai… đều có không ít cơ sở có nhận cầm sổ BHXH như trường hợp của anh L.Đ.V. Thậm chí, không ít công nhân còn rao bán sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần…

Ngay cả trên môi trường mạng, người dùng chỉ cần gõ cụm từ “cầm sổ bảo hiểm”, “thanh lý sổ bảo hiểm” trên mạng xã hội Facebook sẽ dễ dàng tìm kiếm được các nhóm “Hỗ trợ thanh lý sổ BHXH; hỗ trợ cầm + thanh lý BHXH”, với đông đảo thành viên lên đến chục ngàn người. Các nhóm này đưa ra quy định thủ tục rất đơn giản, trong 15-30 phút là có thể nhận tiền, không cọc, không phí, không cần giấy ủy quyền…

Tùy theo mức đóng và thời gian đóng BHXH mà mỗi sổ sẽ được định mức giá khác nhau với lãi suất trung bình ở mức 5%... Thông thường các nhóm cho vay sẽ đưa ra những điều kiện rất hấp dẫn như là cầm sổ cấp càng lâu thì càng nhận được nhiều tiền từ 10-50 triệu đồng. Khi đã được đóng BHXH 3 năm thì sẽ mua với 50% giá trị thực lãnh. Và mỗi 3 năm giá mua sẽ được tăng thêm 5%...

Đổi lại, người cầm sổ BHXH sẽ phải cung cấp CMND, bảo hiểm gốc. Nhiều người khi gặp khó khăn thì sẽ không suy tính nhiều. Tuy nhiên, kết quả chỉ vay được số tiền rất nhỏ nhưng lại phải chịu lãi suất vô cùng lớn…

BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành đều đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo tới NLĐ. Mới đây, Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) đã có Công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên trên môi trường Internet…

Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp NLĐ đem sổ BHXH đi cầm. Việc cấp lại sổ chỉ được thực hiện đối với trường hợp sổ bị hư hỏng, mất mát.

Việc cầm sổ BHXH sẽ phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Nếu NLĐ đủ điều kiện sẽ nhận BHXH cao hơn nhiều so với số tiền mà NLĐ mang đi cầm. Cũng không loại trừ trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm xong lại làm thủ tục cấp lại sổ mới và nếu phát sinh tranh chấp thì có thể vi phạm pháp luật với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người nhận cầm sổ BHXH cũng có không ít rủi ro. Đã có những trường hợp NLĐ sau khi cầm đã liên hệ cơ quan BHXH báo mất và được cấp sổ mới và nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần. Lúc này người nhận cầm cố sẽ mất tiền thế chấp…

Sổ BHXH được cấp là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt khi đủ điều kiện, NLĐ sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ BHYT để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già. Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.

Người nhận cầm sổ có yếu tố trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 214 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, luật quy định người nào thực hiện một trong các hành vi như lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH lừa dối cơ quan BHXH để chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phú Lữ - Ngọc Hạnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/xu-ly-nghiem-hanh-vi-mua-ban-thu-gom-cam-co-so-bao-hiem-xa-hoi-i693077/