Xử lý nghiêm hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc

Mới đây, việc một nhạc sĩ nước ngoài gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu ca sĩ Noo Phước Thịnh bồi thường thiệt hại vì vi phạm bản quyền, một lần nữa làm nóng câu chuyện về vấn đề bản quyền âm nhạc trong làng giải trí nước ta thời gian qua.

Nguyên nhân Noo Phước Thịnh bị kiện là do trong vi-đê-ô ca nhạc (MV) của nam ca sĩ trẻ phát hành có phân cảnh quay sử dụng một đoạn nhạc nền ngắn lấy từ ca khúc của nhạc sĩ nước ngoài mà chưa xin phép. Sau khi nhận được thông báo từ đơn vị giữ bản quyền ca khúc, MV của Noo Phước Thịnh đã được gỡ khỏi kênh Youtube để chỉnh sửa, thay thế phần nhạc vi phạm và giới thiệu lại, song nhiều kênh nhạc trực tuyến khác vẫn đang phát bản MV cũ. Vì thế, nhóm làm MV vẫn phải đối diện đơn kiện với số tiền đòi bồi thường lên tới 850 triệu đồng, đi kèm yêu cầu xóa vĩnh viễn MV vi phạm khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ mà công chúng có thể tiếp cận và phải công khai xin lỗi tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không chỉ với ê-kíp Noo Phước Thịnh, sự việc này cũng là lời cảnh tỉnh đối với một số các ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam lâu nay vẫn có thói quen "xài chùa" thành quả sáng tạo nghệ thuật của người khác.

Ðây không phải lần đầu các cá nhân hay tổ chức nước ngoài phải lên tiếng về việc vi phạm bản quyền âm nhạc ở nước ta. Trước Noo Phước Thịnh, ca sĩ Bảo Anh từng bị gỡ một MV khỏi Youtube vì sử dụng một số đoạn nhạc nền lấy từ hai bản hòa âm quốc tế mà chưa có sự cho phép. Việc vi phạm này khiến nữ ca sĩ phải nhanh chóng xin lỗi tác giả và chi trả 100 triệu đồng tiền mua bản quyền. Ở thị trường trong nước, việc vi phạm bản quyền âm nhạc là chuyện "thường xuyên như cơm bữa" và chẳng loại trừ từ tân binh đến ca sĩ đã thành danh. Ca sĩ Phạm Hồng Phước cũng từng hứng nhiều phản ứng từ dư luận khi ra mắt ca khúc "Khi chúng ta già" mà không chịu ghi rõ tên tác giả bài thơ cùng tên. Ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng phải gỡ bỏ MV "Anh thì không" khi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng lên tiếng ông không được giới thiệu là tác giả lời Việt của ca khúc. Cùng với đó, các ca sĩ: Thu Phương, Tóc Tiên, Bảo Thy... cũng là những cái tên nối dài qua những lùm xùm trong vi phạm quyền tác giả và quyền sở hữu liên quan đến các tác phẩm âm nhạc. Và dù ít hay nhiều, những vụ việc này cũng khiến họ "mất điểm" trong lòng người hâm mộ. Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã gửi đơn báo cáo vi phạm tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) về việc ca khúc "Nhật ký của mẹ" do nhạc sĩ sáng tác đã được sử dụng trong bộ phim "Quỳnh búp bê" mà chưa được đồng ý của tác giả...

Việt Nam đã là thành viên của Công ước Bern và đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn diễn ra khá phổ biến. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ với khả năng kết nối, chia sẻ, lan tỏa nhanh, một mặt giúp việc tiếp cận các sản phẩm nghệ thuật trong nước, ngoài nước thuận tiện hơn; nhưng một mặt cũng làm xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm ở những hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Không chỉ dừng ở việc mượn giai điệu, lời ca hoặc biểu diễn mà không xin phép, việc vi phạm bản quyền âm nhạc còn diễn ra với cả ý tưởng, bản hòa âm, phối khí mà phần lớn được lấy từ nước ngoài, nếu không là người am hiểu âm nhạc hẳn sẽ khó nhận diện... Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khi bị phát hiện vi phạm thường có chung câu trả lời vô tư "không hiểu luật". Song đặt trong bối cảnh hiện nay, sự vô tư này có phần khó chấp nhận, bởi đã là người trong ngành, là dân chuyên nghiệp, không thể nói không hiểu về tác quyền âm nhạc. Nhiều trường hợp, có thể dễ dàng nhận ra các ca sĩ, nghệ sĩ cố tình vi phạm chứ không phải không hiểu luật. Lâu nay, người vi phạm cứ bị tố cáo thì nhận lỗi là xong, còn các tác giả Việt Nam lại thường ngại kiện tụng, va chạm làm to chuyện, cho nên dễ dàng cho qua. Ðiều này đã vô tình tiếp tay cho sự dễ dãi, cẩu thả trong hoạt động nghệ thuật và thói quen "xài chùa" khó kiểm soát.

Hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, không thể không làm tốt vấn đề bảo vệ bản quyền nói chung, bản quyền âm nhạc nói riêng. Bởi đây là cách làm hiệu quả để thể hiện sự tôn trọng đối với thành quả sáng tạo của nghệ sĩ, cũng như tạo động lực để tái tạo sức sáng tạo, giúp họ có thêm những sản phẩm nghệ thuật giá trị. Do đó, việc thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm bản quyền âm nhạc cần được thực hiện sâu sát, đủ tính răn đe. Hơn nữa, theo các chuyên gia, trong thời kỳ "thế giới phẳng", với sự phát triển của công nghệ, sẽ ngày càng xuất hiện những bộ lọc thông minh để dễ dàng phát hiện hành vi "đánh cắp" hay "cầm nhầm" dù vô tình hay cố ý. Vì thế, các ca sĩ, nhạc sĩ càng cần tôn trọng vấn đề bản quyền, cũng là tôn trọng và bảo vệ chính mình.

ÐẮC LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38060002-xu-ly-nghiem-hanh-vi-vi-pham-ban-quyen-am-nhac.html