Xử lý nghiêm nạn cho vay nặng lãi tại Gia Lai

Nhiều năm qua, hoạt động cho vay kiểu 'tín dụng đen', cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang gây ra nhiều bất an trong xã hội. Điều đáng quan tâm là thời gian gần đây, hoạt động này không chỉ có ở các thành phố, trung tâm tỉnh lỵ, mà còn len lỏi xuống khắp các buôn làng với nhiều chiêu trò biến tướng nhắm vào đối tượng là người dân tộc thiểu số, khiến nhiều gia đình vốn đã khó khăn lại càng lâm vào cảnh túng quẫn.

Nhiều năm qua, hoạt động cho vay kiểu “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang gây ra nhiều bất an trong xã hội. Điều đáng quan tâm là thời gian gần đây, hoạt động này không chỉ có ở các thành phố, trung tâm tỉnh lỵ, mà còn len lỏi xuống khắp các buôn làng với nhiều chiêu trò biến tướng nhắm vào đối tượng là người dân tộc thiểu số, khiến nhiều gia đình vốn đã khó khăn lại càng lâm vào cảnh túng quẫn.

Nhiều hộ dân tộc thiểu số nghèo trót vay tiền, nhận ứng phân bón, gạo… đã vô tình rơi vào “ma trận” của các chủ nợ rồi từ lãi mẹ đẻ lãi con, không ít gia đình rơi vào cảnh khốn cùng khi bị siết mất bò, lừa mất đất sản xuất. Cũng chỉ vì vướng vào “ma trận” cho vay của các chủ nợ, hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số vốn đã nghèo nay trắng tay khi mảnh đất sản xuất cuối cùng của họ cũng bị đem ra gán nợ. Tình trạng này đang “nóng” tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai như Krông Pa, Ia Pa, Chư Sê, Kbang… Ông Ksor Dák, Trưởng thôn Wôr (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) cho biết: Cả buôn có 155 hộ thì có hơn 100 hộ vay các chủ nợ. Vừa bị lãi suất cao, vừa bị ép giá nông sản nhưng vì người dân cần tiền để trang trải nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống nên buộc phải vay, dẫn đến nghèo càng nghèo thêm, bởi vay một triệu đồng thì mỗi tháng phải trả từ 30 nghìn đến 70 nghìn đồng tiền lãi. Ngoài việc tính lãi suất trên trời, ép giá nông sản, các đối tượng cho vay còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa cho vay rồi chiếm đoạt đất. Theo ông Nay Nguyên, Trưởng thôn H’Ngôm (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa), bà con hầu hết không biết chữ, không rành sổ sách, họ ghi nợ bao nhiêu thì người vay đành chấp nhận; nhiều người ứng tiền, gạo, phân bón, chi phí lo ốm đau, năm này qua năm khác dẫn đến không trả nổi, bị tính lãi gấp đôi, thậm chí nhiều gia đình bị siết đất. Ông Ksor Nhói, Trưởng Công an xã Chư Gu, nhận định: Đây là kiểu kinh doanh trá hình. Đầu tiên, họ cho người dân lấy gạo ăn đến cuối vụ quy ra tiền, nếu không trả được thì một bao gạo trị giá 500.000 đồng tăng lên thành một triệu đồng, chủ nợ bắt người dân ký nhận vay một triệu đồng. Tính từ lúc trồng mì đến khi thu hoạch, nhà đông người sẽ ăn hết 10 bao gạo, cộng thêm việc ứng phân bón, mượn tiền lúc ốm đau, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, người dân không trả nổi dồn thành một cục nợ. Nhiều gia đình phải bỏ rẫy, khó lại càng khó, không lối thoát; có gia đình sau từ ba đến bốn năm, số tiền gốc lẫn lãi cứ thế nhân lên, không còn khả năng trả nợ, bị chủ đầu tư lấy đất.

Hoạt động cho vay nặng lãi ở huyện Chư Sê cũng cho thấy nhiều bài học. Để có thêm khoản tiền trang trải cho gia đình, đầu tư sản xuất và trả khoản vay ngân hàng trước đó, ông Kpă Lah (làng Kte 2, xã Hbông, huyện Chư Sê) đã vay bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, xã Hbông) số tiền 65 triệu đồng với thời hạn 5 năm, lãi suất 9.000 đồng/triệu đồng/tháng. Điều kiện là ông Lah phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) 1,5 ha vườn, rẫy cho bà Thu, khi nào trả hết nợ thì bà Thu sẽ trả lại bìa đỏ. Bà Thu yêu cầu vợ chồng ông đến văn phòng công chứng lăn tay vào giấy tờ cho mượn thì mới giao tiền. Tương tự, ông Rmah Ưih (làng Kte 2, xã Hbông) cũng chẳng chút do dự khi giao toàn bộ giấy tờ mảnh đất hơn 3,2 ha cho bà Thu để vay 40 triệu đồng, lãi suất 9.000 đồng/triệu đồng/tháng... Mãi cho đến khi phát hiện ra thì mảnh đất thế chấp không còn mang tên mình nữa mà trở thành chủ sở hữu của bà Thu. Theo Thiếu tá Đỗ Văn Chính, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Chư Sê: Từ tháng 7-2016, Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Hồng (em ruột của Thu, trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Chư Sê) hoạt động cho vay tiền bằng hình thức thế chấp bìa đỏ, nhưng thực chất là lừa chuyển nhượng đất của 16 hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Hbông. Trong số này, có 12 bìa đỏ của các hộ dân đã hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ cho bà Nguyễn Thị Thu và nhiều người khác (được nhờ đứng tên). Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng xác định, có 5 bìa đỏ của các hộ sau khi sang tên người khác đã bị bà Thu đem giấy tờ thế chấp ngân hàng vay 4,45 tỷ đồng. Điều đáng nói là, mặc dù các mảnh đất nói trên đã không còn thuộc quyền sở hữu của những người dân này nhưng họ vẫn phải nai lưng ra làm để trả lãi vay cho bà Thu theo mức cam kết 0,9%/ tháng. Nếu vụ việc không bị phát hiện sớm, người dân sẽ còn phải trả số lãi này từ 5 đến 6 năm sau.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, theo thống kê của cơ quan chức năng có 659 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao, với 108 đối tượng tham gia vào hoạt động phi pháp này (có 31 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía bắc) và đã có đến hơn 9.000 người vay là nạn nhân (phần lớn là người dân tộc thiểu số). Đại tá Phan Thanh Tám, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Có thể khẳng định, tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố của Gia Lai đều có hoạt động “tín dụng đen”. Nhiều vụ án liên quan việc cho vay-đòi nợ, mang tính xã hội đen.

Mới đây nhất, vào ngày 5-1-2020 Cảnh sát điều tra tội phạm (Công an tỉnh Gia Lai) đã triệt phá một nhóm có hành vi cho vay nặng lãi núp bóng cửa hàng cầm đồ. Qua theo dõi, lực lượng công an đã bất ngờ ập vào cửa hàng cầm đồ Phát Lộc tại địa chỉ 19 Lý Nam Đế, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai và bắt quả tang bốn đối tượng gồm: Đoàn Việt Đức (tên thường gọi Đức “Game”, sinh năm 1978, trú tại thành phố Pleiku), Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1994, trú tại thành phố Hà Nội), Nguyễn Đắc Duy Hòa (sinh năm 2001, trú tại huyện Chư Sê) và Lê Vạn Ngọc (sinh năm 1997, trú tại thành phố Pleiku) có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Qua khám xét, công an đã phát hiện, thu giữ nhiều giấy tờ, tài sản, hợp đồng, tờ rơi quảng cáo. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tạm giữ hình sự bốn đối tượng, đồng thời mở rộng điều tra vụ án. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (PC 03, Công an tỉnh Gia Lai) đã xóa sổ tụ điểm cho vay nặng lãi của Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai (có trụ sở 95 Lê Duẩn, thành phố Pleiku, Gia Lai), bắt bảy đối tượng và khám xét bốn chi nhánh của công ty này. Quá trình mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn phát hiện, Công ty Nhất Tín Phát có các địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Bình Định, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… Thủ đoạn của Công ty Nhất Tín Phát là núp bóng mua bán, cho thuê ô-tô, xe máy… để hoạt động cho vay với lãi suất 4.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 0,4%/ngày, 12%/tháng, 144%/năm; tổng số tiền thu lợi bất chính ước tính hàng chục tỷ đồng. Theo kết quả điều tra, thống kê của công an, đã có đến hàng nghìn người là nạn nhân của công ty này.

Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 4-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh”. Tại hội nghị, bên cạnh ý kiến ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc theo dõi, triệt phá các băng, nhóm cho vay với lãi suất cao, thì nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng việc triệt phá chỉ dừng lại ở cấp trung tâm thành phố, huyện, thị xã mà chưa đi sâu nghiên cứu và có biện pháp ngăn chặn triệt để ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân là đồng bào dân tộc thiểu số vốn hạn chế về nhận thức và cuộc sống vô cùng khó khăn, gây nên sự bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, Đại tá Phan Thanh Tám cho biết thêm: “Qua theo dõi, chúng tôi nắm rõ tình hình có vẻ khá nóng trong những dịp cuối năm, khi mà các đối tượng đánh trúng vào nhu cầu cần tiền để trang trải, mua sắm của người dân. Ngành công an đã có báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội. Trước mắt, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cử lực lượng xuống phối hợp với chính quyền cơ sở nắm chắc hoạt động của các đối tượng cho vay, đồng thời sẽ có biện pháp mạnh tay với các đối tượng này nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.

ANH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/43188302-xu-ly-nghiem-nan-cho-vay-nang-lai-tai-gia-lai.html