Xử lý nghiêm những sai phạm gây thất thoát, lãng phí

Thời gian gần đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) liên tục triển khai thanh tra việc thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải... và đã chính thức công bố các Thông báo kết luận thanh tra lĩnh vực nêu trên.

Đây là hoạt động bình thường của TTCP, đồng thời là cơ sở quan trọng để các địa phương, bộ, ngành nhìn nhận quá trình triển khai công việc, nhận rõ những thiếu sót, sai phạm, từ đó kiến nghị các giải pháp để thực hiện dự án, hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây cũng là những nội dung được nhân dân quan tâm sâu sắc bởi chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện với hiệu quả cao nhất.

Tại Bộ Giao thông vận tải, TTCP cho biết, từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, hơn 70 dự án đã được thực hiện nhưng không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. Tất cả các dự án đều được chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa bảo đảm năng lực, dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập, sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.

Bộ Giao thông vận tải quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch; phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch. TTCP nêu rõ, việc lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký và giám sát thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ; nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình.

Đáng chú ý, TTCP cho rằng: Kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế; xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn giao thông, gây mất ổn định an ninh, trật tự tại một số điểm thu phí trong thời gian qua.

Tại TP Hà Nội, TTCP đã thông báo về kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT, trong đó tập trung kiểm tra bảy dự án về giao thông, môi trường thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Tại thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT nhưng chỉ có một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không bảo đảm năng lực theo quy định. Một số dự án BT đã có hiện tượng cơ quan chức năng TP Hà Nội và cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất…

Tại TP Hồ Chí Minh, thông báo kết luận thanh tra nêu rõ nhiều thiếu sót, vi phạm của UBND thành phố, các sở, các quận, huyện trong việc triển khai thực hiện các dự án. Hầu như trong tất cả các khâu công việc đều có thiếu sót, vi phạm. Những vấn đề nêu trên dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển của thành phố, như: đánh giá dự án chưa chính xác, chưa khách quan; lựa chọn nhà thầu không bảo đảm năng lực; tổng vốn đầu tư tăng sai; giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí ngân sách nhà nước.

Trong điều kiện kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, những hoạt động gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng... cần phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý. Trong các thông báo kết luận của TTCP, có một phần rất quan trọng là kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân; trách nhiệm thu hồi số tiền thất thoát; trách nhiệm xử lý hành chính của các cơ quan chủ quản; trách nhiệm của các cơ quan chức năng, như Bộ Công an đối với các sai phạm phải xử lý hình sự...

Tuy nhiên, việc xử lý sau thanh tra hay hiệu quả, hiệu lực của các kết luận thanh tra dường như chưa được quan tâm thấu đáo, còn bị bỏ ngỏ. Đây sẽ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp.

KHÁNH AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34063402-xu-ly-nghiem-nhung-sai-pham-gay-that-thoat-lang-phi.html