Xử lý nghiêm tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đề nghị xử lý nghiêm 4 tàu cá của 2 tỉnh này vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian gần đây.

Theo báo Biên phòng, triển khai thực hiện Công điện số 732/CD-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EU) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU Fishing), ngày 16/1/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 412/BNN-TCTS gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị tăng cường các biện pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đề nghị xử lý nghiêm tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện nay có một số tàu cá của các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang vẫn tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trong tháng 1/2018 có một số tàu cá của 2 tỉnh trên (có 4 tàu đã xác định rõ số hiệu) vi phạm vùng biển các nước Thái Lan, Campuchia và Malaysia.

Theo báo Nông nghiệp, năm 2017 tình hình này có giảm so với năm 2016, nhất là sau khi triển khai Công điện 732 của Thủ tướng. Tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt sau ngày 23/10/2017 khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác hải sản Việt Nam. Cụ thể: Khánh Hòa (1 vụ/1 tàu/5 ngư dân); Quảng Ngãi (1 vụ/2 tàu/30 ngư dân); Cà Mau (5 vụ/5 tàu/26 ngư dân).

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 732 và Chỉ thị 45 của Thủ tướng; chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Quan điểm là nếu địa phương nào tái diễn vi phạm thì chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 9/3/2018 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các nước xử lý nghiêm khắc

Indonesia quy định giới hữu trách được đốt hoặc đánh đắm tàu cá nước ngoài thả lưới trái phép. Tại Malaysia, nếu bị kết tội đánh bắt trái phép, thuyền trưởng có thể bị phạt tới 1 triệu ringgit (hơn 5,3 tỉ đồng), còn mỗi ngư dân bị phạt 100.000 ringgit hoặc lĩnh án tù. Đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương cho đốt tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép. Úc thực hiện chính sách tịch thu tàu, bắt thuyền viên và có thể bỏ tù. Đáng chú ý là Indonesia, Malaysia, Úc, Palau, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cùng 42 quốc gia, vùng lãnh thổ ký thỏa thuận ngăn chặn tàu cá bị nghi ngờ hoạt động trái phép cập cảng các nước thành viên.

Bảo Trân (T/H)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/xu-ly-nghiem-tau-ca-danh-bat-trai-phep-o-vung-bien-nuoc-ngoai-99104